Cảnh báo mỹ phẩm giả

Gần cuối năm, mỹ phẩm giả xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều. Điều đáng nói, nhiều loại mỹ phẩm giả chứa hóa chất gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Mỹ phẩm giả sản xuất tại công ty TNHH Ánh My - Ảnh: Hoàng Việt

Tràn ngập từ hè phố đến trung tâm thương mại

Thị trường mỹ phẩm giả đang hoành hành đến nỗi khi đề cập đến vấn đề này, một cán bộ quản lý thị trường (QLTT) đã thốt lên: “Thị trường có loại mỹ phẩm gì, lập tức có mỹ phẩm giả loại đó. Mỹ phẩm giả xuất hiện tràn lan, từ cửa hàng tạp hóa, chợ đến siêu thị, trung tâm thương mại nổi tiếng”. Điển hình, ngày 21.9, Đội QLTT 3A - TP.HCM qua kiểm tra đã phát hiện tại chợ Bình Tây (Q.6) hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu quen thuộc như: Lancôm, Lipice, L.V, Nivea… bị làm giả. Trước đó, ngày 27.8.2010, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an Q.12, TP.HCM kiểm tra Công ty (CT) TNHH SX-TM mỹ phẩm Thanh Trúc phát hiện, thu giữ hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm giả mang nhãn hiệu See Na, Young One, Mena, Aché, Extra pearl Cream…

Ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội QLTT 3A - TP.HCM khẳng định: “Gần đây, mỹ phẩm giả núp bóng mỹ phẩm thật ngày càng nhiều. Hình thức trá hình của các CT sản xuất mỹ phẩm giả, phần lớn là thành lập CT sản xuất mỹ phẩm để làm “bình phong” cho việc sản xuất mỹ phẩm giả. Công thức sản xuất rất đơn giản: mua hóa chất, hương liệu ở chợ Kim Biên về trộn lại với nhau, vô chai, dán tem chống hàng giả (tem giả) và bán. Có không ít sản phẩm giả chứa hàm lượng thủy ngân vượt mức cho phép đến hàng chục lần, thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện trên thị trường rất nhiều loại son môi có chứa chất sudan độc hại”. 

Bảo vệ sức khỏe trước khi làm đẹp

Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mỹ phẩm giả để lại nhiều tác hại cho da như: gây mụn trứng cá, mụn mủ, sần, teo, ngứa, sưng đỏ...; sạm da, loang lổ. Thậm chí, mỹ phẩm giả có chứa chất corticoid còn làm rạn da. Thực chất corticoid là chất tẩy da,  lúc thoa vào, chất này sẽ làm da mỏng đi, khi đó người dùng dễ nhầm tưởng da trắng đẹp, hồng hào. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn da sẽ bị tổn thương nghiêm trọng với các hậu quả như: viêm da dị ứng, viêm nang lông, lão hóa da sớm không thể phục hồi được.

 Nguy hiểm hơn, loại mỹ phẩm giả có chứa thủy ngân vượt mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng. Bác sĩ Phạm Xuân Khiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Vạn Hạnh, TP.HCM nói: Nếu dùng loại mỹ phẩm này lâu dài, thủy ngân ngấm vào cơ thể sẽ gây viêm ruột mãn tính, viêm gan. Các biến chứng này rất khó điều trị, thậm chí, có thể di truyền cho các thế hệ sau.  

Phân biệt hàng thật - giả

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, đại diện Công ty TNHH mỹ phẩm LG Vina tư vấn: “Nếu so sánh về hình thức giữa mỹ phẩm thật và giả thì người trong nghề còn khó phân biệt, nói chi đến người tiêu dùng. Chỉ có cách là khách hàng nên cảnh giác khi mua hàng có giá bán thấp. Phần lớn, giá mỹ phẩm giả chỉ bằng 1/10 đến 1/2 mỹ phẩm thật. Chẳng hạn, hộp phấn Essance thật giá 100.000 đồng thì hộp phấn giả chỉ có 20.000 đồng. Đối với hàng giả, người bán thường giới thiệu là hàng xách tay. Hàng chính hãng, nguyên liệu thường được chiết xuất từ thiên nhiên và được kiểm tra gắt gao, nên phải hội đủ các yếu tố: thông tin trên vỏ hộp đầy đủ, rõ ràng và có nhân viên tư vấn khi khách hàng cần, do đó giá khá đắt”.

  • Theo Cẩm Nhi - Hoàng Việt (Thanhnien)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)