Đồng bào Công giáo đồng hành, gắn bó với dân tộc

Thông qua việc làm "tốt đời" như thi đua sản xuất, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chấp hành pháp luật... và "đẹp đạo" thực thi bác ái theo lời Chúa, thương người như thể thương thân, 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam đã lan tỏa, có nhiều mô hình hay, điển hình tốt.

Những mô hình hiệu quả

Sản xuất tại Công ty CP Văn phòng phẩm Phương Bắc
do anh Nguyễn Văn Sang, là người xứ đạo Từ Châu (huyện Thanh Oai), làm giám đốc.  Ảnh: Bá Hoạt

Theo Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, từ năm 2005 đến nay, phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo" trở thành chương trình hành động của mỗi người Công giáo. Nhiều địa phương đã xây dựng được mô hình hay và hiệu quả như: "Xây dựng xứ, họ đạo gương mẫu" ở tỉnh Thái Bình; "Người tốt, việc tốt" ở TP Hồ Chí Minh; "Xứ, họ đạo tiên tiến" ở Hà Nội; "Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu" ở Nam Định… Điểm chung của mô hình này là huy động sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng của đồng bào Công giáo xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Giáo xứ Từ Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội) là một trong 152 điển hình của phong trào sống "tốt đời, đẹp đạo" trên toàn quốc. Ở đây, đời sống người dân cải thiện rõ rệt nhờ tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh nghề mộc, nề và làm giấy… 100% gia đình có phương tiện nghe nhìn, 80% hộ có xe máy. Các hộ dân cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giáo dục con cái. Giáo xứ tự hào đã ngăn chặn không cho tệ nạn ma túy, xã hội xâm nhập.

Họ giáo Vĩnh Lộc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng khá thành công khi xây dựng mô hình "Họ đạo tiên tiến". Với 140 hộ, 650 nhân khẩu, chỉ chiếm 7% dân số của xã Phùng Xá nhưng họ giáo luôn đi đầu hưởng ứng phong trào làm kinh tế giỏi. Hiện tại, 95% số hộ Công giáo vừa làm nghề nông vừa làm ngành nghề khác, trong đó 30% hộ chuyên kinh doanh, dịch vụ… Nhiều hộ gia đình mở xưởng mộc, sản xuất công cụ lao động… Tiêu biểu là gia đình ông Đỗ Văn Hải chuyên sản xuất bản lề cửa, mỗi năm cung cấp cho thị trường 5-6 vạn bộ. Gia đình thương binh Dương Phú Đức mỗi năm đóng 400 xe cải tiến… Họ giáo Vĩnh Lộc được bà con trong vùng suy tôn là điển hình về làm kinh tế giỏi, với 40% số hộ giàu; 60% hộ khá và đủ ăn, không có hộ nghèo.

Ngoài hai mô hình này, đồng bào Công giáo cả nước còn giành nhiều kết quả từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo". Tại tỉnh Bắc Ninh có 12/13 làng Công giáo toàn tòng được công nhận Làng văn hóa các cấp. Nhiều địa phương như, Vĩnh Bảo, Liêm Khê (Hải Phòng); Vạn Thọ, Phú Đa, Tầu Giang… (Hà Nam) đã thành lập câu lạc bộ tuyên truyền các hộ giáo dân không sinh con thứ ba, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều giáo xứ như, Bùi Xá (Hưng Yên), Thạnh An (Cần Thơ) đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng đường giao thông…

Người Công giáo tốt là công dân tốt

Tại hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt của đồng bào Công giáo Việt Nam vừa qua, giáo dân Dương Văn Tá (SN 1973), CA viên xã Phú Kim (Thạch Thất, Hà Nội) vinh dự được Bộ CA trao tặng Bằng khen. Noi gương người anh trai là Linh mục Giuse Dương Đắc Tiến (hiện là Chánh xứ Tình Lam - Hà Nội), Dương Văn Tá luôn luôn ý thức phải sống sao cho tốt đời, đẹp đạo. Sau khi xuất ngũ trở về, anh đã đem tất cả kiến thức, nhiệt huyết của tuổi trẻ để phục vụ, bảo vệ quê hương xóm làng. Được giao nhiệm vụ phụ trách an ninh trên địa bàn thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim, anh Tá đã chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo CA xã các phương án bảo đảm ANTT trên địa bàn. Anh cùng đồng đội tham gia bắt nhiều đối tượng (chủ yếu là người địa phương khác) sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy, thu giữ nhiều tang vật, tìm ra thủ phạm lấy cắp tài sản như xe máy, xe đạp… Anh còn thường xuyên gặp gỡ, động viên những thanh niên lầm lỗi, chia sẻ khó khăn, giúp họ bớt mặc cảm tự ti để hòa nhập cuộc sống, trở thành người có ích trong xã hội.

Ở giáo xứ Đạ Tẻh (Lâm Đồng), ai cũng yêu mến Linh mục Dương Công Hồ, Chánh xứ giáo. Không chỉ làm tròn nghĩa vụ của một người truyền giáo, ông còn là Chủ nhiệm HTX Tiểu thủ công nghiệp Hiệp Nhất, giải quyết việc làm cho 815 lao động với nghề đan lát lục bình, cói, tre, nhựa, dệt len… Đây cũng là một trong 10 HTX tiên tiến toàn quốc năm 2007. Linh mục Dương Công Hồ cho biết: "Ý tưởng thành lập HTX không chỉ giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động với những công việc rất phổ thông mà ông còn mong muốn đóng góp công sức cùng với chính quyền địa phương xóa đói, giảm nghèo".

Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hương (Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) Nguyễn Thị Thanh Hương nhiều năm nay đã tự nguyện xây dựng 200 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho các hộ nghèo. Chị còn ủng hộ 10 tỷ đồng giúp đỡ trẻ bị nhiễm chất độc da cam, thăm, tặng quà các gia đình chính sách và tham gia nhiều hoạt động từ thiện khác. Chị làm tất cả những việc đó với một tấm lòng của người công giáo "thương người như thể thương thân". Cùng với CA viên Dương Văn Tá, Linh mục Dương Công Hồ và nhiều giáo dân trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thanh Hương đang nỗ lực thực hiện tốt lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: "Người tín hữu tốt là người công dân tốt".

  • Theo Lê Hương - Thành Nam (Hanoimoi)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)