Việc dân sự cốt ở đôi bên

Sáng 25.11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Đây là dự án luật khá quan trọng được đặt ra nhằm giải quyết những vụ án dân sự đang ngày càng phức tạp trong thời gian gần đây và cũng là phiên thảo luận cuối cùng của kỳ họp về dự án luật này.

Tuy nhiên, phiên thảo luận cho thấy vẫn còn quá nhiều ý kiến chưa thống nhất với những quy định của dự luật, nhất là đối với quy định về vai trò của viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong vụ án dân sự.

Đại biểu Võ Thị Thuý Loan (Tiền Giang) phát biểu góp ý dự án Luật Tố tụng dân sự. Ảnh: TTXVN

Trở lại kiểm sát chung?

Theo tờ trình của TANDTC về dự án luật thì VKSND có quyền tham dự phiên toà, phiên họp và có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng, phát biểu khách quan về quan điểm giải quyết vụ việc dân sự vì VKS tham gia tố tụng là đại diện cho quyền lợi của xã hội, không phải đại diện của các bên đương sự, chỉ đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật và không nghiêng về bên nào.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Hà Công Long và nhiều ĐB khác bày tỏ sự tán thành với dự luật với quy định VKS sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự. Theo các ĐB này thì trước tình hình những vụ án dân sự còn quá nhiều khiếu nại phức tạp như hiện nay thì việc VKS tham gia vào vụ án là cần thiết để đảm bảo cho việc xét xử vụ án được kịp thời và đúng pháp luật. Cũng theo các ĐB này thì VKS phải được phép tham gia từ khi thụ lý vụ án cho đến phiên toà sơ thẩm. VKS phải thể hiện quan điểm của mình trên cơ sở nghiên cứu đơn của đương sự, phát biểu của đương sự để đối chiếu với các quy định của Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản pháp luật khác, để xem xét đánh giá phát biểu đó có đúng với pháp luật không và trước khi HĐXX nghị án, kiểm sát viên phát biểu thì đương nhiên phải phát biểu những nội dung này. Các ĐB này lập luận rằng nếu chỉ quy định VKS chỉ được phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của toà án sẽ không đảm bảo được yêu cầu đảm bảo vụ án xét xử đúng pháp luật, bởi lẽ sự phát biểu, đánh giá của kiểm sát viên sẽ càng làm tăng thêm tính khách quan để hội đồng xét xử nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, quyết định trước khi ra bản án.

Ai sẽ tranh luận với viện kiểm sát?

Không đồng tình với luồng quan điểm VKS tham gia vào tất cả quá trình tố tụng trong một vụ án dân sư, ĐB Võ Thị Thúy Loan, Vi Thị Hương cùng nhiều ĐB khác cho rằng việc quy định kiểm sát viên phát biểu trong cuộc tranh luận phiên toà có nghĩa VKS cũng là một chủ thể của việc tranh luận. “Vậy việc VKS sẽ tranh luận với ai, tranh luận về vấn đề gì trong vụ án dân sự, mà trong đó chỉ có quyền và lợi ích mang tính cá nhân. Hơn nữa về trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên toà của kiểm sát viên hiện nay thì Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, kể cả dự thảo luật sửa đổi này cũng vẫn còn quy định là sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, chủ tọa phiên toà đề nghị kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Thử hỏi còn ai được tranh luận với đại diện VKS? Tôi thiết nghĩ việc tồn tại một điều luật quy định về phát biểu của kiểm sát viên như thế là chưa phù hợp với việc tranh luận tại phiên toà dân sự” - ĐB Võ Thị Thúy Loan lập luận.

Theo các ĐB thì quy định việc VKS tham gia phiên toà như luật hiện hành là phù hợp mà không cần sửa điều này, bởi lẽ bản chất của việc dân sự là cốt ở đôi bên và toà án chỉ như trung gian hoà giải. Nay xuất hiện thêm VKS với việc xét hỏi, nhận định cả vào nội dung vụ án thì chắc chắn sẽ có bên thiệt thòi, bên hưởng lợi từ ý kiến của kiểm sát viên và điều này sẽ ảnh hưởng đến phán quyết của Toà án.

ĐB Vi Thị Hương cũng khẳng định việc kiểm sát viên tham gia phiên toà, phiên họp phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là trái với nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận của đương sự và nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Bởi lẽ trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đây là 2 nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên tắc này đảm bảo cho các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau và toà án là người đứng giữa tôn trọng quyền thỏa thuận của các đương sự, bởi việc dân sự là cốt ở đôi bên vì vậy việc VKS tham gia tố tụng là không cần thiết và là bước lùi của luật pháp.

Các ĐB cũng cho rằng lý do để đưa ra sửa đổi điều này là vì có ý kiến cho rằng việc hạn chế tham gia phiên toà của VKS là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ án dân sự giải quyết thiếu khách quan, không bảo vệ kịp thời tài sản của Nhà nước, của công dân. Nhưng đánh giá này chưa đủ sức thuyết phục bởi tờ trình chưa chứng minh được rõ ràng bằng con số cụ thể là có bao nhiêu vụ án dân sự do không có sự tham gia của VKS nên dẫn đến việc toà án xét xử thiếu khách quan?

Duy nhất một vấn đề được các ĐB thống nhất cao đó là cần phải có cơ chế xem xét lại bản án GĐ thẩm, tái thẩm đã có hiệu lực pháp luật, hết thời hiệu khiếu nại nhưng vẫn phát hiện oan sai để đảm bảo sự công bằng cho người dân.

“Nhiều đại biểu nói rằng toà án là biểu hiện của công lý, là biểu hiện của chế độ chúng ta. Vậy bây giờ công lý là gì? Công lý là bây giờ là sự thật khách quan, là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và phải được bảo vệ, được bảo đảm. Nhưng bây giờ chúng ta thấy rõ ràng một vụ án nào đó mặc dù là rất ít, dù là Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử rồi, nhưng dư luận không đồng tình, các cơ quan giám sát, các cơ quan có trách nhiệm, công dân nói đó là oan. Bản thân Hội đồng thẩm phán TANDTC, bản thân Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC cũng thừa nhận đó là oan, vậy bây giờ bảo công lý được xác lập ở chỗ nào? Rõ ràng công lý chưa được xác lập, chưa được bảo vệ mà chúng ta rất đồng tình là có oan, có sai thì phải sửa, nhưng bây giờ chúng ta chưa có cơ chế, lần này Quốc hội đã đưa ra bàn về một cơ chế để xử lý vấn đề đó” – Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại phiên thảo luận cuối cùng kỳ họp thứ tám QH khóa XII về dự án Luật Tố tụng dân sự.   

S.Đà

“Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng cần phân biệt hai loại phiên toà, phiên họp là phiên toà, phiên họp sơ thẩm và phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm nếu dự thảo luật quy định tại phiên toà, phiên họp sơ thẩm kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKS, vì theo quy định của pháp luật, VKS có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của toà án. Theo đó, kiểm sát viên tham gia các phiên toà, phiên họp để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của toà án từ khi lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, bảo đảm quyền bình đẳng, quyền tranh luận của các bên đương sự, người có quyền, lợi ích liên quan và kiểm sát bản án, quyết định của toà án sau khi đã được toà án tuyên xử hoặc ra quyết định. Vì vậy, tại phiên toà, phiên họp sơ thẩm nếu kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án trong khi theo trình tự tố tụng lúc kiểm sát viên phát biểu ý kiến là lúc hội đồng xét xử chưa tuyên án (hoặc ra quyết định) thì kiểm sát viên không thể biết được nội dung bản án, quyết định của toà án để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát.

Do đó, tại phiên toà, phiên họp sơ thẩm kiểm sát viên chỉ có thể phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Còn đối với các phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm sát viên tham dự phiên toà, phiên họp ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng thì còn có quyền phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ việc dân sự để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát bản án, quyết định của toà án, bảo vệ kháng nghị trong trường hợp viện trưởng VKS có kháng nghị. Quy định như vậy vừa bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của VKS trong tố tụng dân sự, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự phù hợp với từng giai đoạn tố tụng” – Báo cáo giám sát của UBTP của QH về dự án Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).   

S.Đà

  • Theo Chí Tùng (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)