Đề thi ĐH-CĐ đợt 2: Không có chỗ cho học vẹt, học tủ

Về đề thi trong đợt 2, kỳ thi ĐH-CĐ 2013, sẽ diễn ra vào các ngày 9 -10/7 dành cho các khối B, C, D, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết những thay đổi trong cách ra đề theo hướng mở, sẽ giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng bê nguyên kiến thức trong sách giáo khoa, học tủ, học vẹt.

Các đề thi cũng tăng phần phân tích suy luận, liên tưởng ứng dụng vào thực tiễn một cách đa dạng.

Với môn Lịch sử, cấu trúc đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thường có xu hướng bớt dần việc yêu cầu thí sinh trình bày, liệt kê sự kiện mà trên cơ sở những kiến thức, sự kiện lịch sử cơ bản yêu cầu các em biết trình bày ý nghĩa, nhận xét, đánh giá tác động của sự kiện đó, vấn đề đó trong tiến trình lịch sử và khả năng liên hệ, xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, đề thi môn Lịch sử những năm gần đây không chỉ để kiểm tra kiến thức đơn thuần. Để làm tốt đề thi, thí sinh cần đọc kỹ yêu cầu của đề, tập trung thể hiện sự hiểu biết và nhận thức bản thân về vấn đề đó, thay vì thuộc vẹt như những câu hỏi kiểm tra kiến thức thông thường.

Với dạng đề thi theo hướng mở, thí sinh cần thể hiện được khả năng phân tích, tổng hợp, chứng minh, đối chiếu vấn đề. Đặc biệt, với những câu hỏi nâng cao dành cho học sinh giỏi, thí sinh càng đưa ra quan điểm cá nhân theo hướng tích cực sẽ để lại ấn tượng cao với người chấm. 

Năm 2013, thứ tự các môn thi của khối B, C, D sẽ thay đổi. Trước đây thứ tự các môn thi khối B là Sinh, Toán, Hóa nay sẽ đổi thành Toán, Sinh, Hóa. Khối C từ môn Ngữ văn, Sử, Địa được đổi thành Địa, Sử, Ngữ văn. Khối D từ Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ chuyển thành Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn. Việc thay đổi này sẽ giúp thí sinh bớt căng thẳng khi phải thi hai môn tự luận trong một ngày.

Tương tự như vậy, Đề thi môn Văn bao giờ cũng sẽ có dạng đề thi sẽ gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn. Chẳng hạn như đề văn năm 2012 là “Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết một bài nghị luận xã hội ngắn” 

Phần quan trọng nhất của đề thi, có số điểm cao nhất là câu yêu cầu Phân tích, cảm nhận truyện ngắn hoặc thơ. Tuy nhiên, việc sao chép tài liệu của các thí sinh cũng rất dễ bị lộ tẩy nếu bị phát hiện sao chép cùng 1 tài liệu hay 1 bài do cùng 1 người viết.

Riêng môn Địa lý gần đây đã hạn chế tối đa phần thi lý thuyết mà chủ yếu tập trung vào phần bài tập, vẽ phân tích bảng biểu, biểu đồ. Do đó, trong trường hợp này tài liệu dù có cũng như không.

Theo ông Nguyễn An Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, do đợt 2 có nhiều môn khối thi, môn thi nên ngoài các đợt kiểm tra đột xuất, các trường phải tăng cường tự thanh tra, giám sát, siết chặt kỷ luật phòng thi. Để tránh trường hợp thi thuê, thi hộ đã xảy ra như ở đợt I, các Hội đồng coi thi phải chú ý đối chiếu ảnh, tên thí sinh và địa điểm thi thật kỹ lưỡng, không để lọt trường hợp giả mạo thí sinh vào phòng thi.

Ngoài ra, việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi hình, ghi âm vào phòng thi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả giám sát một cách hữu hiệu trong đợt II này.

Theo Chinhphu


© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)