Cụ thể hóa Luật Thủ đô - "Chìa khóa" để Hà Nội phát huy tiềm năng, thế mạnh

HĐND Thành phố Hà Nội vừa thông qua 11 Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô. Đây được coi là điểm mốc quan trọng đầu tiên của Hà Nội trong lộ trình triển khai thực hiện Luật, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

 

 Việc cụ thể hóa Luật Thủ đô sẽ tạo ra cơ hội để Thủ đô khẳng định vị thế, phát triển
tương xứng với tầm vóc của mình - Ảnh: TH


Tạo cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô

Từ một thành phố chỉ rộng 152km2, với 53 nghìn dân sinh sống sau khi tiếp quản năm 1954, qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay Thủ đô Hà Nội đã có diện tích 3.344km2, dân số 7,3 triệu người, trở thành đô thị có diện tích lớn nhất nước và là một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới... Ngày 21/11/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô. Có thể nói, đây là một dấu mốc quan trọng tạo lập những cơ sở pháp lý ổn định lâu dài, vững chắc, vừa giúp cho Hà Nội phát triển đúng tầm vóc trong tương lai, vừa giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, những khó khăn, bức xúc đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ trong quá trình phát triển của thành phố.

Thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, việc xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô đã được thành phố Hà Nội thực hiện khẩn trương, nghiêm túc để kịp trình các cấp có thẩm quyền của Thành phố ban hành khi Luật Thủ đô bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Thành phố đã xây dựng 16 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô. Trong đó, có 11 Nghị quyết của HĐND Thành phố, 2 quyết định của UBND Thành phố; 2 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ và 1 văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, các Nghị quyết chuyên đề và các Nghị quyết nhằm cụ thể hóa một số quy định của Luật Thủ đô là những cơ chế, chính sách đặc thù mà Hà Nội đã kiên trì đề nghị đưa vào Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện những cơ chế đặc thù mà Luật Thủ đô đã xác định, qua đó giúp Hà Nội phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững.

Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực: quy hoạch, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường - đất đai; kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội.

Nói về các cơ chế đặc thù này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lưu ý: “Sự ra đời của Luật Thủ đô không phải là dành cho Hà Nội đặc quyền, đặc lợi mà là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng cho một đơn vị hành chính đặc thù - đô thị đặc biệt, tạo ra cơ chế phù hợp với yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô phục vụ sự nghiệp chung của cả nước”.

Cụ thể hóa các cơ chế xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô

Quản lý dân cư là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý để có thể bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là một trong những đòi hỏi bức thiết để Thủ đô Hà Nội phát huy nội lực, phục vụ tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển và giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Theo đó, ở khu vực nội thành Hà Nội, ngoài những trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4, Điều 20 của Luật Cư trú thì công dân muốn đăng ký thường trú tại nội thành phải tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND Thành phố và phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này bên lề kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội diễn ra vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, Quốc hội đã thảo luận khá kỹ những điều kiện về nhập cư Hà Nội. Bên cạnh những tiêu chí, tiêu chuẩn thông thường như điều động theo yêu cầu công tác, vợ “đi” theo chồng, chồng “đi” theo vợ…, giải quyết được tất cả những đối tượng đó đã là rất cơ bản. Ngoài ra, Luật cũng điều tiết những người chưa có công ăn việc làm, chưa có nơi ở cố định và hoàn cảnh sống chưa vững chắc. Điều chỉnh việc nhập cư để những người nhập cư về phải có việc làm, có đời sống, có nơi ở ổn định… Đây không phải là siết lại, thắt chặt mà đảm bảo cho cuộc sống những người đã sống tại Hà Nội. Do đó, quản lý nhập cư tốt sẽ tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển tốt; cân đối giữa việc làm, thu nhập, giữa nơi ở, nơi học, nơi chữa bệnh, giữa điều kiện sinh sống của người dân cho hài hòa. Nếu chúng ta buông lỏng thì mọi thứ sẽ mất cân đối, tạo nên rất nhiều khó khăn...

Cùng với quản lý nhập cư, theo 11 Nghị quyết vừa được HĐND Thành phố thông qua, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện các quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn; diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở khu vực nội thành thành phố Hà Nội. Thành phố cũng sẽ triển khai thực hiện một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô....

Đáng chú ý, quy định về mức tiền phạt được áp dụng cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng; cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài như những người có học hàm, học vị cao, các thủ khoa...; chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa… cũng sẽ được áp dụng kể từ ngay trong tháng 7/2013.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định rằng: “Khi các chính sách mới cụ thể hóa Luật Thủ đô đã được HĐND Thành phố thông qua và được triển khai thực hiện, Hà Nội sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện quỹ đất dành cho lĩnh vực này đang dần bị thu hẹp. Người dân Thủ đô cũng sẽ được hưởng những chính sách đặc biệt thông qua các quy định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường”.

Theo nhận xét của nhiều người, các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô vừa là những thuận lợi nhưng cũng sẽ là những thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả các quy định mới đặt ra, thì tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có một vai trò hết sức quan trọng.

Mong rằng, với cách triển khai bài bản, quyết liệt nhằm thay đổi từ nhận thức đến hành động, cả hệ thống chính trị của Hà Nội sẽ
phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, vững vàng vượt lên xứng đáng với tầm vóc của Hà Nội ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình./.

Theo CPV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)