Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế

Sáng 19/4, tiếp tục phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.



Tại nghị quyết của Quốc hội số 11/2011/QH13, Quốc hội khóa 13 đã giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, sẽ khai mạc vào tháng 5 tới đây.
 
Được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Đề án, báo cáo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Đề án gồm 5 phần. Phần I, đánh giá những thành tựu chủ yếu, những yếu kém cơ cấu nội tại và xác định những nguyên nhân của chúng. Phần II, xác định mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phần III, trình bày nội dung, định hướng và điều kiện tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phần IV, trình bày hệ thống 13 nhóm giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế. Phần V, là về tổ chức thực hiện.

7 nhóm ngành được ưu tiên phát triển

Theo Đề án, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế bao gồm 6 bộ phận hợp thành: tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Theo đánh giá của Đề án, việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán là nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên phải thực hiện của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tái cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế là nhân tố chính, vừa trực tiếp cải thiện hiệu quả phân bố của nền kinh tế, vừa thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế năng động và linh hoạt hơn, có năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển cao hơn.

Theo Đề án, sẽ có hai loại ngành được ưu tiên phát triển. Thứ nhất, là các ngành, sản phẩm hiện đang có lợi thế cạnh tranh. Thứ hai, là các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển để xây dựng, bổ sung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sản xuất và chế biến lúa gạo, cà phê, chăn nuôi lợn, chế biến thủy, hải sản, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, may mặc, giày da, máy tính, hàng điện tử, đóng tàu, dịch vụ thương mại, dịch vụ xây dựng, khách sạn, nhà hàng… được lựa chọn là các ngành, sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh.

Nhận định việc lựa chọn các ngành, sản phẩm ưu tiên để xây dựng năng lực cạnh tranh là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, xét thực trạng cơ cấu ngành kinh tế hiện hành của nước ta, kinh nghiệm công nghiệp hóa thành công của các quốc gia trong khu vực và xu thế thị trường thế giới trong những năm tới, Đề án kiến nghị 7 nhóm ngành được ưu tiên phát triển để tăng cường, củng cố và phát triển năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong các năm tiếp theo bao gồm: luyện kim, hóa dầu; đóng tàu; điện tử; công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo; dịch vụ logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối,…. ); dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận tải hành khách, dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ văn hóa, dịch vụ giải trí, mua sắm, làng nghề…).

“Phát triển các ngành này thành các ngành có lợi thế cạnh tranh cho giai đoạn tiếp theo để bổ sung cho các ngành có lợi thế cạnh tranh hiện tại; đồng thời, thay thế dần một số ngành thâm dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, giày da, chế biến gỗ và lâm sản khác…” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá: Đề án chưa đưa ra được các luận giải khoa học trong việc định hướng phát triển gắn với thực trạng kinh tế nước ta. Một số ngành thâm dụng lao động như may mặc, thủy sản vẫn đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm trong vòng 10 năm tới chưa được đề cập đúng mức trong Đề án. Tuy nhiên, hiện nay nước ta dần mất đi ưu thế cạnh tranh về chi phí nhân công rẻ, cần phải có những chính sách đột phá nếu vẫn tiếp tục chọn các ngành, sản phẩm này vào diện ưu tiên phát triển trong công nghiệp.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung thêm tiêu chí thân thiện với môi trường phù hợp với quá trình phát triển kinh tế và nhận thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và công dân để lựa chọn ngành/sản phẩm ưu tiên. Ngoài ra, đề nghị cân nhắc ưu tiên phát triển một số ngành, sản phẩm mà Việt Nam có tiềm năng phát triển như sản phẩm nông nghiệp xanh. Trong lĩnh vực dịch vụ, cần chú trọng phát triển thương mại điện tử, dịch vụ liên quan đến máy tính, dịch vụ xây dựng, vận tải và logistics (kết hợp với các đối tác ASEAN).

Chưa tính được chi phí tái cơ cấu kinh tế

Theo Đề án, để tiến hành tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải có ít nhất 3 điều kiện tiền đề. Một là duy trì ổn định kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh. Hai là hình thành và phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường hiện đại, thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch với chi phí và mức độ rủi ro thấp. Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi là kinh phí thì Đề án chưa đề cập đến. “Đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian…” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu lý giải, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại…

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, cần làm rõ nguồn lực để tái cơ cấu vì chi phí là rất quan trọng. Bà cho hay, ở một số nước cải cách nền kinh tế đã dùng 5-10% GDP. “Với chúng ta chi phí này là bao nhiêu cần phải làm rõ, trong đó nhà nước bỏ ra bao nhiêu, doanh nghiệp bao nhiêu, xã hội tham gia thế nào? Chứ cải cách mà không có tiền thì không làm được.” – Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đề án đề xuất 13 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế:

1. Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển.

2. Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.

3. Đổi mới cơ chế phân bố, quản lý và sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước.

4. Đổi mới sâu sắc, toàn diện cơ cấu và cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trước hết là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

5. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

6. Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển.

7. Thực hiện các chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp dân doanh

8. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài.

9. Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành ưu tiên phát triển, đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương (về mục tiêu, nguồn lực, cơ chế và cách thức thực hiện, theo dõi, đánh giá và bổ sung, điều chỉnh…) nhằm tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.

10. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở nông thôn.

11. Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển.

12. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế.

13. Phát triển khoa học, công nghệ. 

Theo CPV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)