Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội về Vinashin

Báo cáo kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội sáng nay không đề cập nhiều về Vinashin, song Chính phủ cho biết đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và có kế hoạch xử lý.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII khai mạc sáng nay tại Hà Nội và dự kiến kéo dài đến 27/11. Theo kế hoạch ban đầu, Chính phủ sẽ có báo cáo toàn diện trước Quốc hội về thực trạng của Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội tình hình kinh tế xã hội 2010 và kế hoạch 2011. Ảnh: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, trong chương trình chính thức được thông qua và thông báo sáng nay, Quốc hội sẽ không bố trí một buổi làm việc riêng về chủ đề này. Câu chuyện Vinashin được Chính phủ đề cập một cách khái quát trong báo cáo kinh tế - xã hội 2010-2011 trình Quốc hội trong phiên khai mạc. Còn báo cáo chi tiết, Thủ tướng cho biết đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Trong phần thông tin ngắn gọn trình bày trước Quốc hội sáng nay, Chính phủ nhìn nhận tình trạng của Vinashin thời gian qua là nghiêm trọng, chủ yếu do yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo tập đoàn.

"Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của tập đoàn. Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo. Chính phủ đang triển khai thực hiện và đến nay đã có một số kết quả bước đầu. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Đánh giá chung về tình hình 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ngăn chặn lạm phát, thúc đẩy kinh tế phục hồi ở mức khá cao là một thành công trong công tác điều hành của Chính phủ. Tốc độ tăng GDP năm 2010 của toàn nền kinh tế ước tăng khoảng 6,7% so với năm 2009, góp phần đưa mức tăng GDP bình quân trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 7% một năm. Thu nhập bình quân của người Việt Nam, tính đến cuối năm 2010, đạt khoảng 1.160 USD.

Bên cạnh việc đưa GDP vượt mục tiêu đề ra (6,5%), Chính phủ cho biết các cân đối lớn của nền kinh tế cũng cơ bản được giữ ổn định. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 12% so với dự toán, góp phần đưa mức bội chi xuống dưới 6%.

Tính đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ ước tương đương 44% GDP, nợ nước ngoài đạt 42,2% GDP trong khi nợ công của toàn nền kinh tế đã xấp xỉ 56,7% GDP. Các khoản nợ này đều cao hơn so với số liệu được Chính phủ cung cấp cho Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9. Tuy nhiên, theo khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các khoản nợ nói trên “đều trong ngưỡng an toàn”.

Về xuất nhập khẩu, Chính phủ khẳng định nhập siêu trong năm 2010 của nền kinh tế ước tương đương 13,5% giá trị xuất khẩu, thấp hơn so với năm 2009 và đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mối quan ngại lớn lại được đặt vào tỷ lệ lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Chính phủ dự báo ở mức 8% cho năm nay. Theo Thủ tướng, tuy con số này cao hơn mục tiêu 7% được Quốc hội chấp thuận, nhưng trong điều kiện phức tạp của nền kinh tế, việc giữ được lạm phát dưới 2 con số đã là một cố gắng lớn của Chính phủ.

Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại chung của tình hình kinh tế xã hội cũng như công tác điều hành năm 2010 như chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển còn thấp, chưa hiệu quả, công nghiệp phụ trợ, cung ứng điện chưa đáp ứng được yêu cầu, thể chế kinh tế thị trường chưa đồng bộ…

Đáng chú ý, Chính phủ nhìn nhận khu vực doanh nghiệp nhà nước giữ một phần lớn vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên quốc gia nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng; cổ phần hoá và đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm; quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập.

Về kế hoạch năm 2011, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, gắn với đổi mới mô hình phát triển và chuyển đổi kinh tế, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân…

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu tăng GDP ở mức 7-7,5% so với 2010, đưa thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 1.300 USD. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010.

Về dự toán ngân sách Nhà nước, Chính phủ dự kiến tăng tổng thu lên khoảng 590.000 tỷ đồng trong khi dự chi khoảng 760.000 tỷ đồng. Bội chi, do đó giảm xuống dưới 5,5% GDP. Tổng đầu tư phát triển ước đạt khoảng 40% GDP trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phấn đấu ở mức 7,5%.

2011 cũng được Chính phủ coi là mốc thời gian quan trọng để thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, công nghiệp sẽ phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế tác có giá trị gia tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô; phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng đề cao nhiệm vụ tăng nhanh nguồn điện, thực hiện kiên quyết và có hiệu quả việc tiết kiệm điện cả trong sản xuất và tiêu dùng, phấn đấu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt...

Theo Thủ tướng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước vừa là một nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế, vừa là một yếu tố quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục bán số cổ phần nhà nước không cần nắm giữ trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Cải cách các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cả về định hướng và nội dung hoạt động, cả về quản trị doanh nghiệp và cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Theo đó, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân...

Việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty cũng là một nội dung quan trọng được đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhắc trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện mục tiêu năm 2010 của Chính phủ. Đây là một trong 5 tồn tại lớn nhất của kinh tế - xã hội Việt Nam được báo cáo nêu ra, bên cạnh hiện trạng kinh tế vĩ mô thiếu bền vững, doanh nghiệp gặp khó khăn do chính sách, quản lý thị trường chưa tốt và các vấn đề xã hội chậm được giải quyết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, việc Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản là hậu quả của quá trình đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa tuân theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của cơ quan chức năng, khi mà công tác kiểm tra, thanh tra còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện sai phạm kịp thời.

Riêng đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Ủy ban Kinh tế cho rằng vấn đề cần được ưu tiên số một trong năm tới là xây dựng nền tảng vĩ mô. Bên cạnh đó là duy trì tăng trưởng, đồng thời phải quan tâm, giải quyết những vấn đề trung và dài hạn của mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế.

Với mục tiêu tổng quát như vây, tuy đồng tình với Chính phủ về chỉ tiêu tăng GDP 7-7,5% trong năm tới nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng nên cố gắng kiềm chế lạm phát dưới 7%, bội chi ngân sách dưới 5% (đều thấp hơn mức Chính phủ đề nghị). Riêng về chỉ tiêu thâm hụt thương mại. Ủy ban đề nghị phấn đấu giữ nhập siêu ở mức 13,5 tỷ USD, ngang bằng với mức thực hiện của năm 2010.

  • Theo Nhật Minh (VnE)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)