“Diễn tập” tổng rà soát chính sách với người có công

Ngày 6/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng đã dự cuộc họp về rà soát chính sách với người có công của xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.

Triển khai một chủ trương nhân văn 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Việt Yên, xã Đông Yên, chia sẻ: “Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng là một chủ trương hết sức nhân văn... Hiện Đông Yên có 263 liệt sĩ, 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 177 thương bệnh binh. Trong đó, thôn Việt Yên đã có tới 88 liệt sĩ, 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng còn rất nhiều người có công với cách mạng vẫn chưa được ghi nhận cho nên rà soát là phải làm đến nơi đến chốn”. 

Trong chiến tranh, Đông Yên từng là một địa bàn cách mạng khi có tới 105 gia đình làm hầm bí mật, 50 gia đình có bằng Tổ quốc ghi công. Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Đông Yên Nguyễn Chung Thanh cho biết, có những gia đình có cả bằng ghi công còn lưu giữ thủ bút của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi rõ: “Gia đình có công lao đóng góp trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc”. 

“Vậy những gia đình này có được xác định là người có công không vì theo hướng dẫn 7 đối tượng là không có? Để ghi nhận công lao đóng góp của những gia đình này, từ trước tới nay địa phương tự trích ngân sách tặng quà trong các ngày lễ, còn về mặt “danh chính ngôn thuận” là hoàn toàn không có gì. Hơn nữa, rà soát chính sách cho người có công với cách mạng là rà soát tất cả, cả những người đã chết hay chỉ là người đang sống?”, ông Thanh đặt câu hỏi. 

Ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTBXH:
Người cần rà soát là người có công giúp đỡ cách mạng, được Nhà nước khen thưởng Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến, kỷ niệm chương, bằng ghi công... Đây là những đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Đó còn là những người hưởng chính sách nhưng chưa đầy đủ là thương binh, chiến đấu ở chiến trường khu vực bị địch rải chất độc hóa học hiện đang bị 17 bệnh theo quy định của Bộ Y tế mà chưa được hưởng chế độ. Hoặc là thương binh 81% thì được tiêu chuẩn người phục vụ.

Gỡ vướng ngay trong quá trình rà soát 

Ông Hà Hữu Ngọc, Chủ tịch hội Cựu Thanh niên xung phong xã Đông Yên đã nêu một số vướng mắc cụ thể. Thứ nhất là giấy chứng nhận xuất ngũ của đơn vị cấp cho Thanh niên xung phong hầu hết đã nộp lại ngay cho xã để phục vụ cho việc cấp phát lương thực lúc bấy giờ. 

“Bây giờ mà hỏi giấy tờ thì chả ai còn gì để mà chứng minh. Hầu hết những người còn sống thì đã quá già, người “trẻ nhất” cũng gần 70 tuổi”, ông Ngọc chia sẻ. 

Đông Yên hiện có 4 người là Thanh niên xung phong đang cô đơn, được trợ cấp 350.000 đồng/tháng. Từ khi có quyết định của Chính phủ quy định về chế độ đối với Thanh niên xung phong, những người này được chuyển sang đối tượng trợ cấp thường xuyên nhưng đến nay vẫn không thấy gì. Trong khi đó, quyết định cấp thẻ BHYT cho cựu Thanh niên xung phong thì chỉ riêng việc làm hồ sơ đã quá mệt mỏi. Một người phải làm 5 loại giấy tờ, xin 5 chữ ký từ chính quyền đến các tổ chức đoàn thể. Do đó, ông Ngọc đề nghị các cơ quan, ban ngành Trung ương liên quan nên nghiên cứu để các quyết định mang lại sự thuận tiện thực sự cho các đối tượng được hưởng thụ. 

Một trong những điểm khó nữa mà cán bộ cơ sở Đông Yên sẽ phải đối mặt là Thông tư 08 của Bộ Y tế hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Đông Yên Nguyễn Chung Thanh cho biết, với những đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học trước đây chỉ cần quy định họ đã từng chiến đấu từ vĩ tuyến 17 trở vào đi khám là được nhưng bây giờ Thông tư 08 quy định có tới 17 tiêu chí.

“Chính vì những quy định tiêu chí khó khăn hơn, chặt chẽ hơn mà có những đồng chí 7-8 năm chiến đấu ở chiến trường, toàn chiến trường ác liệt, bị nhiễm chất độc hóa học, bây giờ mắc bệnh thì lại không được hưởng gì”, ông Thanh chia sẻ. 

Đông Yên là một trong những địa phương được TP. Hà Nội chọn làm thí điểm trong việc thực hiện tổng rà soát chính sách cho người có công trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP. Hà Nội khẳng định, lực lượng cán bộ Mặt trận đóng vai trò chủ đạo trong việc này. Thời gian còn lại vô cùng gấp rút, từ nay đến tháng 6 là phải xong tới cấp huyện. 

“Chúng ta phải quyết liệt thì mới triển khai được nhiệm vụ này. Nhưng khi làm thì không nên rà soát theo danh sách đã có của các Phòng Lao động thương binh xã hội. Việc phát hiện phải làm cho trọn vẹn. Trong đó chú trọng việc thành lập tổ rà soát và khâu tuyên truyền” ông Đức khẳng định. 

Ghi nhận những đóng góp, trao đổi của cán bộ, bà con và đại diện các ban ngành, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng khi cho rằng, đây chính là một cuộc “diễn tập” thu thập ý kiến để chuẩn bị cho việc ban hành hướng dẫn vào ngày 19/3 tới đây. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ LĐTBXH sẽ sớm hoàn chỉnh bản hướng dẫn này. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ rà soát là phải tìm cho được những người chưa có tên trong các danh sách cũ. Trong 7 đối tượng đã có, cần bổ sung thêm đối tượng thứ 8 là thân nhân người có công. 

“Muốn rà soát nhanh địa phương nào thì phải chọn được người nắm vững về địa phương đó. Đông Yên xác định làm thí điểm, làm mẫu cho huyện, huyện làm điểm cho thành phố, thành phố làm điểm cho toàn quốc”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định./.

Theo chinhphu

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)