Kiểm điểm bảy Bộ, Ngành chậm xử lý văn bản trái luật.

Ngày 22/9, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã ký văn bản gửi 7 bộ, ngành cùng 13 tỉnh, thành đề nghị nghiêm túc việc tự kiểm tra, rà soát và xử lý ngay những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và báo cáo kết quả xử lý về Cục.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh (TP HCM) bị nhắc nhở về Quyết định số 54 ban hành ngày 30/3/2007 quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP HCM. Theo đó, tại một số điều khoản trong quyết định này không phù hợp với quy định của pháp luật. Để bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị UBND TP HCM tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý nội dung chưa phù hợp trên. Tuy nhiên, văn bản “tuýt còi” của Bộ Tư pháp có từ đầu năm 2010 nhưng theo TS Lê Hồng Sơn, đến nay UBND TP HCM vẫn chưa có động tĩnh gì.
 
Bên cạnh đó, đầu năm 2010, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có văn bản cho rằng Quyết định 58/2009 của UBND TP Hà Nội về hạn mức giao đất ở mới, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn, ao trong khu dân cư, kích thước diện tích, diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn  TP Hà Nội chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, có thể ảnh hưởng tới người dân. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
 
Trong số 7 bộ, ngành bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật “thổi còi” thì Bộ Tài chính và Bộ Y tế tiếp tục bị nhắc nhở về Thông tư liên bộ số 09/2009, hướng dẫn bảo hiểm y tế có một số nội dung không đúng với tinh thần của Luật Bảo hiểm y tế, gây phiền hà cho người dân. Tại khoản 3, điều 8, Thông tư 09 quy định: “Trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị tai nạn giao thông tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền, người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH để được thanh toán theo quy định...”.

Theo ông Lê Hồng Sơn, nội dung trên chưa phản ánh đúng tinh thần và nội dung của Luật BHYT và dễ dẫn tới hiểu nhầm rằng việc chứng minh không vi phạm giao thông thuộc về người bệnh.
 
Ông Lê Hồng Sơn cho biết, quy định của Chính phủ là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận thông báo về việc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản. "Nếu các bộ và địa phương này tiếp tục không khắc phục, Cục KTVBQPPL sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định", ông Sơn nhấn mạnh.

 7 bộ và 13 tỉnh, thành ban hành văn bản trái luật là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế; TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Nam, Đắk Nông, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Bình, Đồng Nai.

  • Theo Minh Hải (VnMedia)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)