Lời tri ân sâu sắc với những bà mẹ Việt Nam anh hùng

Cuộc đời bình dị nhưng vô cùng cao cả của những bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) thêm một lần nữa được phác họa rõ nét trong chương trình giao lưu và trưng bày chuyên đề Chân dung mẹ VNAH TP. Hồ Chí Minh, tổ chức sáng 20-12 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày tư liệu về mẹ VNAH TP. Hồ Chí Minh do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Cuộc đời bình dị nhưng vô cùng cao cả của những bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) thêm một lần nữa được phác họa rõ nét trong chương trình giao lưu và trưng bày chuyên đề Chân dung mẹ VNAH TP. Hồ Chí Minh, tổ chức sáng 20-12 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày tư liệu về mẹ VNAH TP. Hồ Chí Minh do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Mẹ VNAH Hồ Thị Há và Phạm Thị Thế tại buổi giao lưu.

TP. Hồ Chí Minh có gần 2.000 mẹ VNAH nhưng đến nay chỉ 165 mẹ còn sống và hầu hết các mẹ đều đã ở tuổi rất cao. Trong quá trình thực hiện dự án, những người làm công tác sưu tầm của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, họ đã gặp được những tấm gương, đức hi sinh vô cùng cao cả. Mỗi mẹ đều có dáng nét riêng về cuộc đời, hoàn cảnh xuất thân, con đường đến với cách mạng... nhưng cùng giống nhau ở tấm lòng, tình yêu quê hương, đất nước và cùng sinh ra những người con anh hùng. Như mẹ Phạm Thị Thế, nay đã ngoài 100 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày đêm bơi xuồng tiếp tế lương thực cho kháng chiến. Không chỉ dũng cảm bám đồng ruộng cấy lúa giữa mưa bom bão đạn, người mẹ sống hơn 1 thế kỷ còn cống hiến cho đất nước 4 người con trai. Trong khi đó, mẹ Hồ Thị Há, với ý chí kiên cường đã gượng đứng lên sau sự hi sinh của chồng và con gái để trụ lại trong lòng địch, tiếp tục hoạt động cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Hay như huyền thoại anh hùng biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Điểm (bí danh Thanh Tùng) không chỉ có chồng mà hai con trai của mẹ cũng đã ngã xuống ngay trên cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Còn mẹ Lê Thị Thu có chồng và con là liệt sĩ, bản thân mẹ là giao liên, hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Mẹ từng vận chuyển vũ khí cho những trận đánh "long trời lở đất” của biệt động thành năm xưa...
Bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, qua 6 tháng phối hợp thực hiện, Bảo tàng đã hoàn tất trên 1.900 hồ sơ khoa học về mẹ VNAH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Dự án cũng đã sưu tầm được hàng ngàn hiện vật quý báu của các mẹ. Dù trưng bày lần này chỉ mới giới thiệu một phần nhỏ kho hiện vật ấy nhưng khách tham quan không khỏi xúc động trước những di vật thiêng liêng, những câu chuyện thắm tình yêu Tổ quốc. Bắt gặp trong phòng trưng bày là mũ cối và chiếc võng từng gắn bó với những tháng ngày hoạt động của mẹ Phạm Thị Khai; là chiếc chuông và mõ gõ bị đạn xuyên thủng của mẹ Hồ Thị Dục; là lá thư cuối cùng từ đứa con trai độc nhất của mẹ Nguyễn Thị Dinh và cả những tờ giấy báo tử đã nhòe chữ vì nước mắt... "Gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa về mẹ VNAH không chỉ là trách nhiệm, là nghĩa vụ của một bảo tàng chuyên đề như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, mà đó còn là lời tri ân sâu sắc nhất của thế hệ hôm nay đối với những hi sinh cao cả của các mẹ” - bà Nguyễn Thị Thắm chia sẻ./.

Theo DaiDoanKet

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)