Ðầu tư phát triển thủy sản

Nước ta có bờ biển dài 3.260km, trong đó có 28 tỉnh ven biển với hơn bốn triệu lao động nghề cá là điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản. Hơn 10 năm trở lại đây, ngành thủy sản liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao cả trong khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nga.

Tuy vậy, ngành thủy sản bộc lộ nhiều yếu tố rủi ro, bất cập và không bền vững. Nghề khai thác biển hằng năm bị thiệt hại về người, phương tiện khai thác do thiên tai gây ra. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghề cá chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống cảng cá, bến cá, chợ thủy sản đầu mối, khu neo đậu tránh trú bão...

Mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 là ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới. Ðồng thời từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc; kinh tế thủy sản đóng góp 30-35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 - 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5-7,0 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng; tạo việc làm cho năm triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp ba lần so với hiện nay; hơn 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng.

Ðể thực hiện mục tiêu trên, chiến lược đã nêu cụ thể 10 chương trình, đề án và dự án phải thực hiện với kinh phí dự kiến khoảng hơn 57 nghìn tỷ đồng được huy động từ các nguồn vốn. Trong thực tế, những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho ngành thủy sản chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu đầu tư, cho nên nhiều chương trình, dự án đã được triển khai nhưng không thực hiện được mục tiêu đề ra. Thí dụ ngày 15-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 346/QÐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020 với tổng nhu cầu đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mức đầu tư hằng năm cho ngành thủy sản chỉ trên dưới 100 tỷ đồng.

Thiết nghĩ, để thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và Nghị quyết T.Ư về Chiến lược Biển đến năm 2020 thì một trong các giải pháp quan trọng là tăng mức đầu tư cho ngành thủy sản. Trước mắt, nên sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, để vừa thực hiện chương trình và mục tiêu của Chiến lược phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đồng thời phù hợp với nguyện vọng của hàng triệu lao động nghề cá trên biển.

  • Theo Trần Trì (Nhandan)

 

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)