Các doanh nghiệp “khát” lao động

Càng gần cuối năm, thời điểm các doanh nghiệp phải hoàn thành đơn đặt hàng, sản xuất hàng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán thì tình trạng thiếu nhân công ở các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) phía nam đang càng gia tăng.

HTML clipboard

Khan hiếm lao động

Người lao động băn khoăn tìm kiếm, lựa chọn doanh nghiệp phù hợp -Ảnh: Hải Nam

Năm nay, lao động khan hiếm cũng do người lao động nhập cư đã có sự cân nhắc, lựa chọn. Lực lượng lao động từ miền bắc, miền trung vào miền nam làm việc ngày càng ít bởi với mức lương chưa cao, họ phải trang trải cho các chi phí cho ăn uống, sinh hoạt đắt đỏ nên khoản dành dụm gửi về cho gia đình không như mong muốn.

Trong khi đó, ở miền bắc, miền trung, các KCN mọc lên ngày càng dày đặc, thu hút nhiều lao động. Vì thế, nhiều người đã chấp nhận mức lương thấp hơn để ở lại địa phương, bù lại sẽ không phải làm việc trong điều kiện xa nhà.

Tình trạng các doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở vùng thị trấn, thị tứ. Nguyên nhân một phần được cho là do doanh nghiệp chưa lựa chọn đúng địa điểm đặt cơ sở sản xuất, chưa đưa ra những giải pháp thu hút lao động phù hợp.

Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội của doanh nghiệp chưa tạo cho người lao động đời sống ổn định để yên tâm gắn bó với công việc, chưa xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chưa lập các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên để gắn kết người lao động với những hoạt động tập thể, chưa có giải pháp nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho công nhân.

Các ngành dệt may, da giày thường sử dụng nhiều lao động nữ. Song, lao động các ngành này dịch chuyển nhiều hơn và thường khan hiếm hơn các ngành khác. Đăc biệt gần đây, do áp lực công việc, do nhu cầu chăm sóc gia đình, con cái, lao động nữ có xu hướng tìm việc làm bán thời gian hoặc tìm công việc nhẹ nhàng hơn để dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

Theo một số Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh, nhiều lao động nữ có thâm niên trong những ngành may mặc, giày da, điện tử... quyết định nghỉ việc hoặc thay đổi việc làm. Vì thế, nhân công càng khan hiếm hơn, nhất là nhân công có tay nghề và trình độ.

Sàn giao dịch việc làm chưa phát huy tác dụng

Báo cáo từ các trung tâm giới thiệu việc làm của các địa phương cho thấy, hiệu quả cung ứng lao động thông qua các sàn hiện vẫn thấp. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện nay hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều có các sàn giao dịch việc làm. Trong đó có 44 sàn hoạt động định kỳ với tần suất một phiên/tháng, nhiều trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm với tần suất hai phiên/tháng. Mức đầu tư cho một sàn giao dịch việc làm khoảng từ năm đến bảy tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ tìm việc qua trung tâm mới chỉ đạt 14%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng lao động qua trung tâm cũng mới chỉ đạt 16,4%.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm không được như mong đợi. Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Cục trưởng Việc làm, Giám đốc Trung tâm quốc gia Dự báo và thông tin thị trường lao động nhận định, hệ thống dịch vụ việc làm hiện thời mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% - 15% nhu cầu thực tế về tư vấn và giải quyết việc làm. Nguyên nhân là do công tác phân tích thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, chưa có đánh giá sâu về thị trường tại các địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương sử dụng vốn đầu tư chưa đúng mục đích, đội ngũ cán bộ thuộc lĩnh vực này thiếu cả về số lượng và sự chuyên nghiệp.

Theo báo cáo xu hướng lao động của Cục Việc làm, đến năm 2020, nguồn cung lao động vẫn tăng trội hơn so với nhu cầu, điều đó khiến khó giảm được tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động tính đến năm 2020 là 2,5%, tương đương 1.468.000 triệu người. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với căn bệnh trầm kha, bói không ra lao động, nhất là trong thời điểm cuối năm.

Thiếu công nhân, hàng hóa chất đống không có người xử lý.

Phiên giao dịch việc làm TP Hồ Chí Minh tháng 9-2010, có 46 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp tại sàn cùng 35 doanh nghiệp đăng tuyển lao động trên cổng thông tin việc làm www.vieclamvietnam.gov.vn và www.vieclamhcm.net với tổng nhu cầu tuyển dụng hơn 4.500 lao động, nhưng chỉ tuyển được 950 người. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh, chín tháng đầu năm 2010, đã bố trí việc làm cho 222.468 người (kế hoạch đề ra năm 2010 sẽ giải quyết việc làm cho 270.000 lao động). Theo khảo sát tại 6.232 doanh nghiệp và 31.992 người có nhu cầu tìm việc làm thì bình quân mỗi tháng TP Hồ Chí Minh cần gần 27.000 lao động, trong đó khoảng 1/3 là lao động thời vụ.

  • Theo Kim Ngân (Nhan dan)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)