Phân cấp thẩm quyền trong đầu tư công để rõ trách nhiệm

Chiều 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đầu tư công.

Thảo luận về những vấn đề lớn do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, ngoài việc đề nghị làm rõ các khái niệm, hạn chế việc có quá nhiều nội dung giao Chính phủ quy định, nhiều ý kiến tập trung góp ý vào phần quy định về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến thống nhất với việc phân cấp như quy định của dự án Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của Quốc hội đối với việc phê duyệt chiến lược đầu tư công dài hạn trong từng giai đoạn, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư quan trọng quốc gia và nhóm A.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự án Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Dự án Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì chỉ có những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được Quốc hội phê duyệt như hiện nay.

Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới hàng năm, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là hợp lý và khả thi, đồng thời cũng đảm bảo tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án Nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn như quy định tại điểm c, Khoản 1 Điều 49 về trình và giao kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc phân quyền liên quan đến quy trách nhiệm nên dự án Luật cần thể hiện chặt chẽ, rõ ràng. Người nào quyết định đầu tư thì người đó phải chịu trách nhiệm, và đầu tư sai phải chịu trách nhiệm.

“Quốc hội là cơ quan dân cử chỉ quyết định chủ trương về dự án quan trọng quốc gia, còn người quyết định dự án là cá nhân, đó là người chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý về việc ủy quyền và cần làm rõ chủ thể, quyền hạn để xác định rõ trách nhiệm chứ không thể cứ quy trách nhiệm về Thủ tướng. Ngoài ra Dự thảo cũng chưa đề cập đến thẩm quyền của tập thể UBND.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì cho rằng việc Quốc hội cho chủ trương, nguyên tắc, quy trình chứ không quyết định cụ thể về dự án. “Quan điểm của tôi là Quốc hội chỉ tham gia về cách thức giải quyết tiến hành, còn điều hành cụ thể để cho Chính phủ, tạo thuận lợi để nhân dân và Quốc hội giám sát”.

Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: “Phải khắc phục tình trạng một anh quyết định đầu tư còn một anh lo về tiền ở đâu. Nên để anh nào quyết định nguồn lực thì quyết định đầu tư. Vừa qua có tình trạng quyết định đầu tư tràn lan mà không xác định rõ nguồn lực, gây nên nợ đọng trong đầu tư cơ bản”.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật xây dựng (sửa đổi)./.

Theo VOV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)