Vinashin và điện - hai vấn đề nóng

Ngày 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển năm 2011 tại hội trường. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã "nóng" lên khi nhiều đại biểu (ĐB) QH truy vấn trách nhiệm của Chính phủ để xảy ra vụ "khủng hoảng" có tên Vinashin.

Vinashin nợ bao nhiêu?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội trường.   Ảnh: Viết Thành

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói, Tập đoàn Vinashin đã thực sự sụp đổ mặc dù chúng ta dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn để diễn đạt. Việc sụp đổ của Vinashin đã trút lên vai đồng bào món nợ không dưới 100.000 tỷ đồng, mà nếu một tỉnh có thu khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm thì phải làm quần quật, không mua sắm, không ăn uống, xây dựng gì trong suốt một thế kỷ mới có thể trả được. Còn đối với đồng bào miền núi, tỉnh nghèo, món nợ này còn có nghĩa là dự án làm đường, trường học, bệnh viện sẽ bị chậm lại... Nhắc đến vụ án Lã Thị Kim Oanh (Giám đốc DN ngành nông nghiệp), vì thất thoát 100 tỷ đồng mà một bộ trưởng đang được lòng dân phải xin từ chức, thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa, ông Thuyết nói: "Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh được phóng đại gấp 1.000 lần".

Cũng theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, sai phạm trong chỉ đạo đã rõ nhưng ngoài lãnh đạo Vinashin còn ai có trách nhiệm? Các thành viên Chính phủ phải nghiêm túc kiểm điểm trước QH chứ không thể nhận trách nhiệm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm là xong. ĐB Thuyết đề nghị QH biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm ở Vinashin. Trước đó, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thắc mắc, Chính phủ báo cáo nợ của Vinashin khoảng 86.000 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm toán lại cao hơn, lên tới 96.000 tỷ đồng. Thậm chí có con số nói tới 120.000 tỷ đồng. Đây là con số đáng báo động, ảnh hưởng đến tổng nợ quốc gia.

Đề nghị của ĐB Nguyễn Minh Thuyết được nhiều ĐBQH tán thành. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nêu, trong giai đoạn năm 2006-2011, có 11 đoàn thanh tra Vinashin nhưng không phát hiện được sai phạm. Đến khi Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng vào cuộc mới ra vấn đề. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, lấy lý do Vinashin hoạt động trong tình trạng thiếu hành lang pháp lý là chưa hợp lý vì mọi thể chế đều do con người đặt ra. ĐBQH và cử tri quan tâm đến hậu Vinashin, sai phạm được khắc phục thế nào? Trách nhiệm của tập thể, cá nhân ra sao? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga phân tích, tuy thí điểm nhưng các tập đoàn đều được thành lập chính thức nên lẽ ra phải thể chế hóa hoạt động cả về mô hình tổ chức và địa vị pháp lý. Nhưng từ năm 2005, chúng ta chỉ dùng các quyết định mang tính lẻ tẻ, đến năm 2009 mới ban hành nghị định. Việc thí điểm liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn nhà nước mà về mặt pháp luật không ràng buộc trách nhiệm QH với thiết chế quyền lực nhà nước cao nhất để chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt lên vai Chính phủ là chưa hợp lý. Từ năm 2005, Chính phủ chưa kịp thời đề xuất QH sửa luật, nhưng QH là cơ quan giám sát cũng chưa chủ động khắc phục. Bà Nga đề nghị, nên kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn, nhất là Tập đoàn Điện lực; đồng thời sửa luật để tạo hành lang pháp lý.

Thiếu điện, ngành điện hứa tới hứa lui

Cùng với vụ việc Vinashin, tình trạng thiếu điện cũng được nhiều ĐBQH nêu tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. ĐB Lê Văn Cuông bức xúc, kỳ họp nào ĐB cũng nêu tình trạng thiếu điện song chưa có chuyển biến gì cả. Tập đoàn Điện lực là doanh nghiệp độc quyền, nhiều năm là con cưng của nền kinh tế, khi có thành tích thì vơ vào, nhưng thiếu điện thì cả Tập đoàn lẫn Bộ Công thương cứ hứa tới hứa lui. Thử hỏi vai trò đầu tàu của Tập đoàn ở đâu khi mà thiếu điện cứ triền miên như vậy? ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nêu, hơn 10 năm qua, năm nào cũng thiếu điện. Giờ còn ảm đạm hơn khi ngành điện phải cắt điện luân phiên giữa mùa mưa. Những kỳ họp trước nhiều tranh luận về nguyên nhân được đưa ra. Kỳ họp này, cử tri kiến nghị các vị đừng tranh luận nữa, hãy làm đi để dân được nhờ. Tập đoàn Điện lực phải báo cáo, giải trình trước QH để tìm giải pháp. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề xuất, cần làm rõ trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực khi họ có tiền để đầu tư chứng khoán, tài chính, hà cớ gì không có tiền đầu tư các dự án điện?

Mặc dù không phải phiên chất vấn song Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên yêu cầu các vị bộ trưởng có mặt sẵn sàng giải trình những vấn đề ĐB và cử tri quan tâm. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu điện, giải pháp quyết liệt nhất là đẩy mạnh dự án nhà máy điện theo tổng sơ đồ được xây dựng cho giai đoạn năm 2006-2015. Thời gian qua, một số nhà máy được đưa vào hoạt động, đầu năm 2011 sẽ chạy ổn định. Cuối năm 2010, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét đề án tái cơ cấu ngành điện. Đến năm 2011-2012, phấn đấu bảo đảm đủ điện thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện thị trường, bảo đảm nguyên tắc hộ nghèo được hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời tiếp tục vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm.

Theo dự kiến, hôm nay 2-11, QH tiếp tục thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển năm 2011 tại hội trường. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Liên quan đến tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, quy hoạch thép là quy hoạch cứng, vì thế các dự án nằm trong quy hoạch mới được thông qua. Các dự án lạc hậu phải kiên quyết chấm dứt hoạt động. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra địa phương, hạn chế các dự án sản xuất thép thành phẩm mà tập trung dự án sản xuất phôi.

Về xi măng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, năm 2010 cả nước tiêu thụ khoảng 51 triệu tấn, trong khi dự báo sản xuất khoảng 56 triệu tấn. Để hạn chế tình trạng cung vượt cầu, Bộ điều chỉnh quy hoạch xi măng theo hướng bình ổn thị trường; hạn chế nhập khẩu clinke, điều tiết vùng sản xuất; lập đề án phát triển vật liệu xây không nung từ xi măng; tìm thị trường xuất khẩu...

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Chúng tôi có khuyết điểm

Bộ GTVT có trách nhiệm giám sát đầu tư của Tập đoàn Vinashin. Trong quá trình đó, Bộ GTVT có phát hiện ra một số vấn đề ở Vinashin nhưng phát hiện chậm. Đáng tiếc là những việc cố ý làm trái của Vinashin lại không phát hiện được. Đó chính là khuyết điểm của Bộ GTVT. Chúng tôi đã lúng túng trong công tác giám sát. Ở đây không có cơ chế bộ chủ quản mà chỉ có chức năng quản lý ngành. Đó chính là thực hiện chủ trương cơ quan quản lý nhà nước chấm dứt can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ranh giới này ở đây rất khó phân định nên gây ra sự lúng túng. Chúng tôi đã kiểm điểm và nhận khuyết điểm vì quản lý chưa tốt...

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Cơ chế của ta có sự “chờ đợi nhau” giữa các cơ quan

Thanh tra Chính phủ đã 3 lần đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện Vinashin chứ không phải 2 lần. Nhưng vì nhiều lý do mà không thực hiện được và thực sự chúng tôi chưa tiến hành thanh tra toàn diện để đánh giá kịp thời; phát hiện đầy đủ những sai phạm ở Tập đoàn Vinashin. Một phần cũng là do cơ chế của ta có sự "chờ đợi nhau" giữa các cơ quan thanh tra, giám sát, kiểm toán. Nhưng không phải là không có thanh tra kiểm soát đối với Vinashin. Trên thực tế, 11 lần thanh tra, giám sát đều có phát hiện được những sai phạm mặt này, mặt khác của Vinashin. Thủ tướng cũng đã nhiều lần chỉ đạo Tập đoàn này chấn chỉnh, nhưng đáng tiếc là Vinashin không chấp hành. Cơ chế phúc tra lại chưa có nên không làm được gì hơn. Để khắc phục nhược điểm này, phải điều chỉnh cơ chế về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Có ý kiến cho rằng, ở vụ việc Vinashin có dấu hiệu bao che, song chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu hay căn cứ nào để nói như vậy.

Y Linh ghi

  • Theo Khánh Khoa (Hanoimoi)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)