Khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Sáng ngày 8/8, tại TP Đà Nẵng, Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin”. Thiếu tướng Lê Huy Vịnh- Phó tư lệnh Quân chủng PKKQ, bà Kyung ‘KC” Choe – Đại diện USAID cùng chủ trì Hội thảo.

 Hội thảo khoa học “Khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin” là 1 trong 2 hoạt động đang thu hút sự quan tâm của công luận và truyền thông trong và ngoài nước. Ngay sau khi kết thúc 2 phiên làm việc sáng và chiều của Hội thảo khoa học này, sáng mai (ngày 9/8/2012), cũng tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Lễ khởi công dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”.

Đây là dự án xử lý độc chất Da cam/dioxin, tàn dư của chiến tranh đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới.

Sân bay Đà Nẵng là một trong 7 khu vực nhiễm độc dioxin nặng nhất ở Việt Nam. Mức độ ô nhiễm tùy theo khu vực (nơi pha chế, vận chuyển trước khi mang đi rải nhiêm nặng hơn sau đó là khu vệ sinh, tẩy rửa máy bay đi rải quay trở về…).

Qua nhiều đánh giá tác động, mức độ ô nhiễm dioxin tại một khu vực đã được xác định khoanh vùng ô nhiễm là gấp từ 9 (thấp nhất) đến 17 (cao nhất) lần so với mức cho phép của Tiêu chuẩn Việt Nam.Theo các chuyên gia kỹ thuật USAID, với phương pháp hấp nhiệt, khi nhiệt độ đến mức 300 - 350°C, độc tố DIOXIN trong đất sẽ bị phân hủy. Đất sau khi được xử lý sẽ được đưa lại vị trí cũ, có thể yên tâm trồng cây, chăn nuôi…

(Trích Báo cáo tại Hội thảo)

Theo ước tính, thể tích vật liệu nhiểm bẩn cần phải xử lý khoảng 67.000m3 trên diện tích 165.000m2 tại sân bay Đà Nẵng.

USAID đã đề xuất phương pháp hấp thu nhiệt để xử lý triệt để dioxin trong đất và bùn với tổng chi phí dự kiến ban đầu khoảng 34 triệu USD. Vào năm 2010 Quốc hội Hoa Kỳ đã cấp bổ sung 12 triệu USD để hỗ trợ cho việc xử lý triệt để tình trạng nhiễm độc độc chất Da cam/Dioxin, tàn dư của chiến tranh, tại sân bay Đà Nẵng (và dự kiến sẽ có nguồn tài trợ bổ sung).

Liên quan đến hấp thu nhiệt để xử lý triệt để dioxin trong đất và bùn, từ ngày 25/2 đến 7/3/2011, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham quan, khảo sát thực tế công nghệ khử hấp thu nhiệt, xử lý đất nhiễm hợp chất Clorobenzen tại xưởng đóng tàu Hunter Point, khu hải quân Mỹ (ở gần TP San Francisco, bang California). Gần đây nhất (ttháng 5/2012), Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục đến Đan Mạch để tìm hiểu một lần nữa về công nghệ hấp thu nhiệt.

Chuẩn bị cho việc khởi công dự án (tháng 8/2012), từ tháng 8/2011, Lữ đoàn Công binh 28/Quân chủng PKKQ đã hoàn tất cơ bản việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên diện tích 19ha của khu vực dự án. Đến tháng 10/2011, Quân chủng PKKQ đã tổ chức nghiệm thu theo quy định đối với hạng mục này và có đánh gía kết luận tốt. Tại Hội thảo sáng nay, thay mặt Nhà thầu quản lý và Giám sát Xây dựng dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”, bà Randa Chichakli cam kết sẽ có các giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa triệt để nhất không cho độc chất phát tán ô nhiễm vào nước và không khí. Không chỉ bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an toàn cho chỉ huy và nhân công trực tiếp làm việc, hành khách, quân nhân, cán bộ và nhân viên có trách nhiệm làm việc ở Sân bay Đà Nẵng cùng cộng đồng dân cư chung quanh cũng sẽ được bảo vệ an toàn.

“Chúng tôi đã và sẽ có hàng loạt biện pháp, như: sử dụng hàng rào bằng vải lụa để thu đất bùn, cặn lắng từ nước thải ở khu vực chịu ô nhiễm; hạn chế tối đa thi công trong mùa mưa và bảo vệ toàn bộ công trường khi có mưa lớn; dừng thi công ngay và không tổ chức thi công trong những ngày có gió mạnh…Chúng tôi sẽ đo nồng độ nền của bụi bình thường và đo nồng độ dioxin có trong bụi lúc thi công. Bất luận điều gì, nếu nồng độ này tăng cao, lập tức phải phát lệnh dừng thi công”- bà Randa Chichakli nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo Quân Chủng PKKQ và USAID chủ trì Hội thảo

Thiếu tướng Lê Huy Vịnh cho biết: “Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng” thực hiện thành công sẽ tạo ra 29ha đất sạch sử dụng cho mục đích kinh tế, thương mại, làm mất nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm dioxin cho nhân dân xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng”.

“Sau dự án có tính tập trung, ưu tiên xử lý dứt điểm là điểm ô nhiễm dioxin sân bay Đà Nẵng, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tác động và có biện pháp xử lý dứt điểm tương tự ở sân bay Phú Cát và Biên Hòa” - bà Kyung ‘KC” Choe – đại diện USAID cho biết thêm.

Tóm lược dự án xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng

- Dự án sẽ tiến hành xử lý khoảng 73.000 mét khối đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng xuống dưới mức tiêu chuẩn quốc gia về ngưỡng dioxin trong đất và trầm tích do Chính phủ Việt Nam ban hành.

- Bể chứa đất và trầm tích sẽ rộng 70m và dài xấp xỉ 100m (tuỳ thuộc vào khối lượng thực tế). Nếu tính cả hệ thống cách nhiệt ở đáy và đỉnh của kết cấu thì bể chứa này cao khoảng 8m. Đất và trầm tích sẽ được làm nóng tới 355 độ C thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt.

- Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác về các vấn đề chất Da cam/dioxin kể từ năm 2000. Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng là đối tác triển khai dự án của Chính phủ Việt Nam trong dự án xử lý môi trương tại sân bay Đà Nẵng.

- Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

- Sau khi đánh giá kỹ càng tất cả các phương án xử lý thay thế, trong đó có phương án chôn lấp và xử lý bằng công nghệ sinh học, Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã xác định việc sử dụng công nghệ hấp giải nhiệt trong mố (IPTD, hay còn gọi là xử lý bằng nhiệt) là công nghệ hiệu quả nhất đã được chứng minh trên thực tế để áp dụng cho xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng.

- Các nhà thầu của USAID trong dự án Đà Nẵng đã áp dụng thành công các giải pháp công nghệ tiên tiến, trong đó có công nghệ xử lý bằng nhiệt, đối với hàng trăm dự án trong đó có các hạng mục quản lý xây dựng, xử lý môi trường, giám sát nhiều bên tham gia đồng thời đảm bảo sức khoẻ và an toàn tại các địa điểm dự án.

Chu trình công nghệ xử lý nhiệt:

- Đất và trầm tích ô nhiễm sẽ được đào xúc và đưa ra một cách an toàn vào một kết cấu bể chứa tạm thời được xây dựng tại sân bay.

- Sau khi được đặt trong kết cấu bể chứa, đất và trầm tích ô nhiễm sẽ được xử lý bằng công nghệ xử lý nhiệt. Quá trình hấp giải nhiệt bao gồm việc làm nóng đất và trầm tích ở nhiệt độ cao khiến cho dioxin bị phân huỷ. Dioxin sẽ phân huỷ thành carbon điôxit, nước và clorua.

- Đất và trầm tích sau khi được xử lý sẽ được đưa ra khỏi kết cấu bể chứa và sẽ an toàn cho sử dụng trong công nghiệp và thương mại theo như các tiêu chuẩn về dioxin do Chính phủ Việt Nam áp dụng cũng như các tiêu chuẩn dioxin do Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với các địa điểm xử lý môi trường tại Mỹ.

 Theo CPV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)