Bèo tây, bước chuyển mới cho một làng quê Hà Nội

Nhiều nơi, bèo tây là loại thủy sinh gây hại. Nhưng với người dân ở  xã Phú Túc và xã Tri Trung, Phú Xuyên, Hà Nội, bèo tây đã được sử dụng để  làm ra nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, tạo nên diện mạo mới cho những làng quê ở đây.

Về hai làng Lưu Thượng (xã Phú Túc) và Trung Lập (xã Trung Tri) mới thấy được phong trào làm bèo tây ở đây phát triển đến mức nào. Trên các ao, hồ bèo xanh ngắt một màu. Nhiều nhà thì tận dụng những khoảng trống ở sân, mái nhà, tường rào để phơi bèo. Còn với những cơ sở sản xuất các mặt hành từ bèo tây không khí lúc nào cũng nhộn nhịp với hàng chục người làm.

Sở dĩ phong trào sản xuất các sản phẩm từ bèo tây dần trở nên phổ biến hơn so với các sản phẩm làm từ mây, tre, cỏ tế là bởi vì trong những năm gần đây, “đầu ra” của các sản phẩm từ bèo tây đã tăng lên rất nhiều. Sản phẩm làm từ bèo tây chủ yếu là khay đựng, rương, hòm, salon, giường…Với những lợi thế như nhẹ, hút ẩm tốt và có độ bền khá cao, các sản phẩm này đã được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Bèo xanh ngát 1 màu

Cách chế biến bèo tây khá phức tạp. Bèo tây sau khi vớt sẽ phân loại để chọn những cây bèo đạt yêu cầu. Bèo được sử dụng thường có chiều cao từ 50 – 70 cm, đường kính chừng 1,5cm. Thân bèo phải đặc, cứng và phát triển đều. Sau khi chọn được những cây bèo đạt tiêu chuẩn người ta sẽ tiến hành tẩy trắng bèo bằng lưu huỳnh và tiến hành làm các sản phẩm.

Tiêu biểu nhất trong các sản phẩm từ bèo tây có lẽ là giường và bàn ghế salon. Ngoài bèo tây, để làm giường, salon cần dùng đến nhiều nguyên liệu quan trọng khác. Điều quan trọng để tạo nên độ bền của sản phẩm là phần khung. Khung thường được làm bằng song mây và phải đảm bảo độ bền cũng như độ đàn hồi cao. Làm khung là giai đoạn mất nhiều thời gian nhất và nó cũng quyết định nhiều đến độ bền của sản phẩm. Sau khi hoàn thành phần khung người ta mới tiến hành đan bèo để hoàn thành sản phẩm. 

Bèo được phơi ở khắp nơi

Phần thô của sản phẩm sau khi được làm xong người ta dùng sơn bóng hoặc keo để sơn nhằm làm tăng độ bền và tính thẩm mỹ. Tùy theo sở thích của mỗi thị trường thì sản phẩm được sơn theo những màu sắc khác nhau. Cũng có nhiều khách hàng yêu cầu để sản phẩm theo màu tự nhiên. Bình thường cây bèo đã có sẵn 2 màu xám đá và rêu. Để hoàn thành 1 chiếc giường hoặc 1 bộ salon cần khoảng 1 tuần làm việc liên tục. Tiêu chí để một sản phẩm hoàn thiện là nan đều, đều màu, đều sợi và có độ bóng đồng đều. Sau khi hoàn thành, sản phẩm được sấy nóng và bảo quản trong hộp kín với túi chống ẩm trước khi đem đi xuất khẩu.

Tuy nhiên khí hậu Việt Nam nóng ẩm, sản phẩm thường không có tuổi thọ lâu nên những sản phẩm giường, salon làm bằng bèo tây ít được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam mà chủ yếu đem xuất khẩu hoặc bán cho 1 số khách sạn. Giường, salon xuất khẩu sẽ được bán với giá tầm 10 triệu đồng/ bộ. Sản phẩm được xuất khẩu đi gần 20 nước trên thế giới, chủ yếu là Mỹ, Nhật và Đông Âu. Có những mùa du lịch, khách nước ngoài và Việt Kiều sang Việt Nam nhiều cũng là thời điểm nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, làng Lưu Thượng là 1 điển hình cho việc “đổi đời” từ bèo tây. Với những khó khăn ban đầu, đến bây giờ anh đã là chủ 1 cơ sở sản xuất bèo tây với thu nhập hàng tháng từ 10 – 20 triệu đồng. Có nhiều đợt, hàng không sản xuất kịp để bán. Sản phẩm của cơ sở anh cũng đã được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

Không chỉ riêng anh Tuấn, cây bèo tây đã tạo nên 1 diện mạo mới cho nhiều vùng làng quê ở 2 xã Phú Túc và Tri Trung. Nhờ bèo tây, nhiều gia đình đã có cuộc sống khấm khá hắn lên. Đến đây có thể thấy xen kẽ giữa những căn nhà cổ là những ngôi nhà cao tầng, lát gạch men bóng loáng.

Anh Lê Hữu Tư, chủ cơ sở sản xuất lớn nhất làng Tân Lập, đồng thời là một những gia đình tiên phong cho việc sử dụng bèo tây thay thế cho mây, tre, cói để làm các mặt hàng gia dụng tâm sự, hồi mới bắt đầu làm cơ sở của anh thường xuyên phải nhập nguyên liệu bèo khô từ trong miền Nam với giá thành cao. Giờ đây nhận thức được hiệu quả kinh tế từ bèo tây, nhiều gia đình đã đi vớt bèo ở các ao, hồ và phơi khô để bán cho các cơ sở sản xuất nên nguyên liệu bây giờ có sẵn và tương đối rẻ. Bên cạnh đó, làng Tân Lập vốn có truyền thống làm mây, tre, cỏ tế từ lâu đời nên đội ngũ thợ đan sản phẩm cũng rất nhiều. Về cơ bản, cách thức làm sản phẩm từ bèo và mây, tre, cỏ tế tương đối giống nhau.

Các sản phẩm được làm từ bèo

Cơ sở sản xuất của gia đình anh Tư hiện nay có khoảng 50 người làm. Tiền công trả theo sản phẩm, bình quân mỗi người vào khoảng 40.000 đồng/ ngày. Có những người lành nghề thu nhập có thể lên từ 80.000 – 100.000 đồng/ ngày. Chị Lê Thị Hà, 32 tuổi người dân xã Tri Trung cho biết vào những lúc nông nhàn, gia đình chị huy động mọi nhân lực trong gia đình tham gia vào việc vớt bèo, đan bèo cho một số cơ sở sản xuất ở trong vùng.

Ông Lê Tuấn Hiến, cán bộ xã Tri Trung hồ hởi cho biết nhiều năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây bèo tây nên nhiều người dân đã chuyển hướng sang loại mặt hàng này. Riêng ở làng Tân Lập đã có khoảng 150 hộ dân thành lập cơ sở thu mua và sản xuất các mặt hàng xuất khẩu từ bèo tây. Đó là một con số chứng tỏ một sự phát triển vượt bậc của bèo tây ở Tân Lập bởi chỉ mới năm năm trước thôi, số người ủng hộ làm bèo tây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phong trào làm sản phẩm từ bèo tây phát triển mạnh ở Phú Xuyên và trở thành mặt hàng xuất khẩu nòng cốt và góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

  • Theo Hoàng Phan (VnMedia)

 

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)