580 “quan xã” trẻ và hành trình đến những vùng đất mới

“Nhiều lúc tôi tự hỏi, sẽ bắt đầu công việc như thế nào? Đã bao đêm tôi nằm ôm gối khóc một mình ở Ủy ban vắng người…”

Hành trình đến những vùng đất mới

Sau khi tốt nghiệp Đại học kiến trúc Hà Nội, chàng kiến trúc sư Trịnh Bảo Luận tìm được một vị trí công việc mà nhiều sinh viên mới tốt nghiệp phải mơ ước là làm quản lý các công trình xây dựng ở huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. Vì thế, quyết định từ bỏ một công việc ổn định như vậy để đăng ký tham gia dự án 600 trí thức trẻ về 63 huyện nghèo là cả một bước ngoặt đối với chàng trai trẻ Trịnh Bảo Lâm.

“Khi tham gia quản lý các công trình giao thông trên huyện nhà, tôi được đi nhiều nơi, từ những thị trấn cho đến các bản làng xa xôi nhất của huyện. Điều đó giúp tôi thấm thía hơn cái nghèo, cái khó của bà con quê hương mình. Lúc đầu đăng ký tham gia dự án 600, tôi cũng có không ít băn khoăn, ái ngại khi phía trước là những thách thức mà công việc hiện tại thì đang thuận lợi. Nhưng tôi thầm nghĩ, chính mình mới là người lựa chọn con đường đúng cho mình và tham gia dự án 600 là con đường chứa đựng bao tâm huyết, dự định, hoài bão mà tôi đã lựa chọn”.

Phó Chủ tịch xã Ninh Thị Kim Thảo

Còn đối với Vũ Thị Chiến, cô sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm xung phong lên làm Phó Chủ tịch ở xã vùng cao xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa thì những ngày đầu ở đây cũng đầy ắp kỷ niệm vui buồn. Mới đầu đến đây, mọi thứ đều mới mẻ. Việc không hiểu được phong tục tập quán của bà con nơi đây, Chiến cảm thấy thực sự nặng nề và lo lắng. “Nhiều lúc tôi tự hỏi, mình sẽ bắt đầu công việc như thế nào? Một cô gái sẽ sống và làm việc ra sao trên mảnh đất xa lạ, không người thân, bạn bè? Đã bao đêm tôi nằm ôm gối khóc một mình ở Ủy ban vắng người vì sợ, vì cô đơn. Đó là những kỷ niệm không bao giờ tôi quên trong những ngày đầu về với quê mới, với mảnh đất heo hút này”- Chiến bộc bạch.

Cũng cách đây hơn 1 năm, như bao bạn trẻ, Ninh Thị Kim Thảo đã đăng ký tham gia dự án 600 và trúng tuyển làm Phó Chủ tịch xã bản Xen, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cao. Dù luôn đem trong mình lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhưng khi bắt tay vào công việc, Thảo cũng gặp không ít khó khăn. Bản Xen nơi Thảo nhận nhiệm vụ là một xã miền núi, địa hình hiểm trở, có những thôn cách xa trung tâm tới 5km nên việc đến từng hộ dân để gặp gỡ, làm quen với bà con có khi phải đi cả ngày trời. Lúc đầu, bà con cũng chưa tin người cán bộ vì họ còn quá trẻ, lại không hiểu rõ phong tục tập quán nơi đây…

Cống hiến sức trẻ trên quê mới

Thảo nghĩ, nếu không tiếp cận, không hiểu bà con thì mọi kế hoạch trong công việc sẽ không thực hiện được. Lúc đầu, để tạo được lòng tin với bà con, Thảo thường đi cùng cán bộ có kinh nghiệm xuống thôn để gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Khi bà con đã coi cô cán bộ trẻ như người nhà, họ bắt đầu lắng nghe và làm theo cách cô hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi… Sau 1 năm công tác, cô đã vận động được nhân dân trồng mới 70ha chè, vượt 35% kế hoạch. Ngoài ra, Thảo còn hướng dẫn bà con trồng được 9h khoai tây vụ đông và nhiều loại rau màu khác…

Đối với bà con vùng cao, đàn gia súc gia cầm gần như là “của để dành” của mỗi gia đình. Vì thế, Thảo luôn trăn trở làm sao để bà con phát triển kinh tế từ những vật nuôi này. Muốn như vậy, phải hướng dẫn bà con hiểu rõ việc phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc gia cầm. Cô đến từng nhà, hướng dẫn bà con cách chăm nuôi, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là cách phòng chống đói, rét và dự trữ thức ăn mùa đông cho đàn gia súc, gia cầm. Vì thế, trong năm ở xã Bản Xen không xảy ra dịch bệnh, không có trâu bò chết rét, chết đói.



Cũng như Thảo, công việc của một Phó Chủ tịch xã của Vũ Thị Chiến lúc đầu cũng gặp vô vàn khó khăn, mà khó khăn lớn nhất vẫn là “sự hoài nghi của bà con”. Chiến tâm sự, trong những ngày đầu vào cuộc, lăn lộn ngoài đồng cùng anh chị em khuyến nông viên thôn, bản vận động bà con tham gia trồng Ngô vụ Đông thực sự là một thử thách rất lớn đối với Chiến. “Ban đầu, tôi đã cảm nhận được sự hoài nghi của bà con, sự vào cuộc với tâm lý thờ ơ, gượng ép của một số hộ gia đình do chưa có niềm tin vào thành công của vụ mới. Bên cạnh đó, một số hộ không tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, nhất quyết không nghe theo cách làm ngô bầu, ngô bánh như chúng tôi hướng dẫn mà vẫn trung thành với kiểu truyền thống “chọc lỗ tra hạt” trên nương, trên rẫy. Tất cả những khó khăn đó đã khiến tôi phải trăn trở, băn khoăn rất nhiều với vai trò là người trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo xã và nhân dân”.

Trước những khó khăn đó, Chiến đã báo cáo lên cấp trên và tham khảo ý kiến chỉ đạo của những người đi trước. Cùng với đó, cô mời các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc giúp sức, phân công cán bộ chỉ đạo điểm xuống tận thôn, bản, cùng ra đồng làm với bà con và hướng dẫn bà con cách ngâm, ủ, tra hạt vào bầu và mang ra đồng gieo lên luống.

Với cách làm như vậy, cô đã tạo ra không khí phấn khởi, sôi nổi trong những ngày trồng ngô trên cánh đồng Giao Thiện. Kể cả các Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã đến tất cả cán bộ xã, thôn, bản đều ra ruộng, tạo thành một cuộc thi đua trong toàn xã, được bà con phấn khởi và tin tưởng. Cuối vụ ngô Đông, cả xã “thắng lớn”, bà con đã bước đầu tin và thay đổi tập quán canh tác, tiếp cận với KHKT trong việc tăng năng suất cây trồng. Còn Chiến, giờ đây đã như người thân của mỗi hộ dân trong xã và được bà con thân mật gọi là “Cô Chiến ngô đông”.

“Cái tên thân mật, gần gũi, gắn với quê hương, xóm làng, đồng ruộng khiến tôi có cảm giác yêu tha thiết miền quê mới này. Trong tôi trào dâng một cảm giác khác hẳn ngày đầu tiên khoác ba lô về Giao Thiện. Giờ đây Giao Thiện là nhà, là quê hương thứ hai của tôi. Mỗi bản làng, mỗi người dân, mỗi cánh đồng đã trở nên gần gũi, thân quen như gia đình tôi vậy. Tiếng nói của mỗi người dân nơi quê mới với những làn điệu khắp Thái, điệu xường Mường đã thân thuộc và ngấm sâu vào suy nghĩ, gắn liền với cuộc sống của tôi hàng ngày”- Chiến cho biết.

Sau gần 1 năm gắn bó, tâm huyết với bà con ở xã Vĩnh Quang, Phó Chủ tịch xã Trịnh Bảo Luận tâm sự rằng, Vĩnh Quang giờ đây cũng đã trở nên quá thân thuộc và gần gũi, Luận còn rất nhiều trăn trở để góp phần đổi thay cuộc sống của người dân nơi đây. “Tôi có rất nhiều trăn trở, song không thể tiến hành ngay trong một sớm, một chiều. Một trong những vấn đề mà tôi trăn trở nhất có lẽ là việc làm cho thanh niên và lao động nhàn rỗi ở xã. Trước mắt, trong thời gian tới tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo hỗ trợ giống mỳ và cách thâm canh tăng năng suất, đề suất mô hình trồng chuối tiêu hồng, hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình vỗ béo bò, nhân rộng mô hình trồng ớt… Còn nhiều lắm những hy vọng ấp ủ, những hy vọng còn ở phía trước. Tôi dặn mình phải cố gắng thật nhiều, phải nỗ lực thật nhiều mới xứng đáng được với lòng mong đợi của bà con”.

Sự cống hiến, thử sức mình ở những nơi khó khăn nhất của Tổ quốc của những Phó Chủ tịch xã như Chiến, Thảo, Luận cũng như 580 trí thức trẻ đang làm Phó Chủ tịch xã ở các huyện khó khăn đã và đang là động lực để nhiều bạn trẻ dấn thấn, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước./.

Theo VOV

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)