Sau đại lễ, giá cả vẫn không 'hạ nhiệt'

Trong những ngày diễn ra đại lễ, giá cả hàng hóa đột nhiên tăng vọt. Sau đại lễ, giá cả vẫn "không chịu" hạ nhiệt, thậm chí nhiều mặt hàng nhân cơ hội này để xác lập một mặt bằng giá mới.

Giá cả trong dịp đại lễ tăng chóng mặt

Lo ngại giá cả hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ diễn biến bất thường trong những ngày diễn ra đại lễ, các cơ quan chức năng cũng đã đề ra nhiều giải pháp quản lý và bình ổn giá cả. Sở Công thương Hà Nội đã đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết ...

Tuy nhiên, trong những ngày diễn ra đại lễ, đặc biệt là trong 2 ngày trọng điểm (ngày 9 và 10/10), giá cả hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ tại Hà Nội đã tăng một cách khó kiểm soát.

So với cuối tháng 9, giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống tăng thêm khoảng 20-30%. Tăng mạnh nhất là mặt hàng hải sản. Cụ thể, giá ghẹ xanh tăng từ 30.000– 40.000 đồng/kg, tôm sú tăng 20.000-30.000 đồng/kg. Thịt lợn, gà, bò... cũng tăng thêm 10.000–15.000 đồng/kg tuỳ từng thời điểm trong ngày. Những mặt hàng khô khác cũng tranh thủ tăng giá. Tôm khô từ 85.000 đồng/kg lên100.000 đồng/kg, trứng gà công nghiệp từ 13.000 đồng/chục lên 18.000 đồng/chục Nấm hương, mộc nhĩ cũng tăng thêm vài nghìn đồng/lạng... Giá rau, quả cũng tăng chóng mặt: Bí xanh tăng 3.000-4.000 đồng/kg, cà chua tăng 5.000 đồng/kg, cải thảo tăng 12.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg...

Hàng hoá tiêu dùng dịp Đại lễ tăng chóng mặt (Ảnh: VietNamNet).

Các dịch vụ xung quanh Đại lễ trên địa bàn Hà Nội cũng nhân đà này mà tăng giá một cách khó kiểm soát. Dịch vụ taxi cháy hàng. Xe ôm nói bao nhiêu phải chịu bấy nhiêu, không mặc cả.

Khó hạ nhiệt

Sau đại lễ, giá cả hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ ở Hà Nội vẫn chưa trở lại bình thường. Giá các loại thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, tôm, cá vẫn đang ở mức cao: thịt bò vẫn đang ở mức giá 150.000 đồng/kg, thịt lợn nạc vai 70.000 đồng/kg, tôm đồng 140.000 đồng/kg. Một số loại rau, quả có xuống nhưng không đáng kể, như: dưa chuột 8.000 đồng/kg (trong đại lễ là 10.000 đồng/kg), cà chua 15.000 đồng/kg (trong Đại lễ là 20.000kg).

Nhiều ý kiến của người tiêu dùng phản ánh, ở các siêu thị lớn tuy không xảy ra chuyện tăng giá, sốt giá những lại diễn ra tình trạng khan hiếm các chủng loại hàng hoá khiến người tiêu dùng phải mua ngoài siêu thị. Đây là dịp để những điểm bán lẻ tăng giá, bắt chẹt người tiêu dùng.

Với những diễn biến về giá cả trong những ngày trước, trong và sau đại lễ đã cho thấy công tác quản lý và bình ổn giá cả vẫn chưa hiệu quả. Điều này cũng chứng tỏ việc kiềm chế lạm phát còn nhiều khó khăn

Theo thông tin trên báo ĐĐK, Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại, đây mới chỉ là những tín hiệu đầu tiên. Từ nay đến Tết Nguyên đán, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đợt điều chỉnh giá mới. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tới hơn 40% trong tổng chỉ số CPI, thì việc tăng giá này sẽ gây sức ép mạnh mẽ lên mục tiêu kiềm giữ lạm phát. Giữ được chỉ số giá tăng trung bình 0,5% mỗi tháng và 1,5% cho 3 tháng cuối năm để đạt mục tiêu CPI 8% thực sự là một thách thức.

(Theo VNN)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)