Hai ngón tay và hàng chục đầu sách

Hơi muộn, nhưng vẫn còn kịp, đó là việc Hội Nhà văn VN đang xúc tiến hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng, khi ông vừa qua những giờ khắc thử thách nghiệt ngã nhất của bệnh tật ở tuổi 83.

Tác giả “Búp sen xanh” - Sơn Tùng, đã sống một đời văn đáng tự hào, bằng nghị lực viết phi thường của một người thương binh nặng.

Tập nói ở tuổi 83

Đã năm tháng trôi qua kể từ ngày nhà văn trở bệnh nặng do vết thương cũ tái phát (ba mảnh đạn M79 găm vào đầu tại chiến trường Tây Ninh tháng 4.1971) trong thể trạng nguy kịch: Xuất huyết não, huyết áp rất cao, liệt nửa người. Tới thăm ông tại khu điều trị cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 30.6.2010, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết - người bạn chiến đấu cũ của ông, đã xúc động nhắc lại kỷ niệm không thể quên giữa hai người trong giờ phút sinh tử: “Khi anh Sơn Tùng bị thương nặng, tôi là người đã cõng anh ấy đi cấp cứu” và căn dặn các bác sĩ: “Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng hết sức để cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”.

Còn giờ đây, khi đã tạm đi qua được những giờ phút gay go nhất, nhà văn lại trở lại căn gác nhỏ đơn sơ của mình bên người vợ một đời tần tảo. “Lúc này chăm ông ấy cứ như chăm một em bé, vì thể trạng tuy có khá lên được đôi chút, nhưng vẫn còn yếu lắm: Thức ăn thì là cháo xay nhuyễn, tập ăn đã đành, lại còn tập nói... bà Mai - vợ nhà văn nói. Trước đó, sau khi điều trị bằng tây y, ông đã chuyển qua điều trị bằng đông y tại Viện Y học cổ truyền dân tộc Tuệ Tĩnh.

Tới thăm ông, chị Lê Phương Liên - biên tập viên NXB Kim Đồng, cũng là người đầu tiên tiếp xúc với “Búp sen xanh”, tác phẩm để đời của nhà văn khi còn ở dạng bản thảo - xót xa nói: “Thật không thể tưởng tượng nổi giờ ông lại có thể trở nên gầy gò, bé nhỏ, mong manh đến thế trên chiếc xe lăn...”. “Trước, ông ấy nặng chừng 46 cân, giờ giỏi lắm chỉ còn 35 cân...” - bà Mai nói, nhưng giọng điệu vẫn tràn đầy lạc quan, như thể đó là thứ “tài sản tinh thần” lớn nhất mà bà nhận được từ người bạn đời giàu nghị lực, sau bao năm chung sống. Bà nhớ rõ ngày chồng mình nhập viện, cũng như ngày ông bị thương ở chiến trường (15.4.1971) vì đó là những ngày “tôi thường tặng hoa cho chồng để động viên ông ấy”.

Còn nhiều dự định dang dở

Một đời viết có duyên, đôi khi, chỉ cần để lại cho đời một câu thơ, một đầu sách, đã là đáng tự hào. Với Sơn Tùng, lẽ dĩ nhiên, ông để lại nhiều hơn thế, dù nhắc đến ông, điều đầu tiên người ta nhắc đến hẳn nhiên là ba chữ “Búp sen xanh” - một cuốn sách đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong ký ức của nhiều thế hệ bạn đọc bởi những trang viết kỹ lưỡng, chân tình, xúc động. Không chỉ “Búp sen xanh”, ông còn quyết dành trọn cả đời viết của mình cho đề tài gan ruột: Hồ Chí Minh, với cả chục đầu sách: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Bác về, Từ làng Sen, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng, Bác ở nơi đây, Chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa hề thấu ngọn nguồn...

Và trân quý hơn, ông đã đến với nghề viết bằng một tâm nguyện lớn: Quyết “tàn nhưng không phế” để đi đến cùng lý tưởng sống, lý tưởng viết của mình - điều vẻ như thật “xa xỉ” với nhiều cây viết trẻ sau này, vốn hầu hết chỉ coi nghề viết như một cuộc chơi. Bởi chiến tranh đã không chỉ găm vào đầu ông những đầu đạn hiểm ác mà nếu gắp nó ra, ông buộc phải chấp nhận mất trí nhớ (và cuối cùng, ông chọn chung sống với nó để giữ nghề viết), mà chiến tranh còn cướp đi của ông 3 ngón tay để trong mấy chục năm cầm bút, ông đã phải mệt nhoài trên trang viết với chỉ hai ngón tay còn lại.

Hai ngón tay và hàng chục đầu sách, không chỉ về Hồ Chí Minh - “con người và con đường” với gần 10 đầu sách, về những cái tên đã đi vào lịch sử như: Tổng Bí thư Trần Phú hay Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ tổ quốc..., mà còn về bao con người vô danh khác như: Anh hoạ sĩ mù, những cô gái sa chân lỡ bước... Ngoài ra, còn nhiều dự định dang dở khác mà ông hằng ấp ủ như một cuốn sách viết về đại thi hào Nguyễn Du, hay viết về vùng cửa biển quê hương Diễn Châu - Nghệ An của ông...

Trước khi là nhà văn, ông từng là nhà báo (phóng viên Báo Tiền Phong) và vì vậy, cầm bút viết về muôn mặt đời sống đã là một phản xạ nghề nghiệp và một nhu cầu sống ở ông. Trong đó, “Búp sen xanh” (xuất bản năm 1980) là một dấu son đỏ trong đời viết của Sơn Tùng. Đánh giá tác phẩm giàu sức nặng này, nhà văn Lê Phương Liên - người biên tập cuốn sách nói: “Điều đáng nói là tại thời điểm ra đời của cuốn sách, tác giả “Búp sen xanh” đã đi tiên phong trong việc tiểu thuyết hóa cuộc đời của một lãnh tụ, với những tình tiết chân xác lẫn hư cấu có tình có lý, thuyết phục được sâu sắc nhiều thế hệ bạn đọc”.

Một số tình tiết được hư cấu trong “Búp sen xanh” từng gây tranh cãi và cuối cùng đã được minh định bằng ý kiến đầy xác đáng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lần tái bản cuốn sách: “Búp sen xanh” nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.

Và vì “lời nói có trọng lượng rất lớn là thuộc về người đọc” nên “Búp sen xanh” cho đến nay dù đã ra đời tròn ba mươi năm, vẫn tiếp tục được tái bản tới gần 20 lần và vì thế, cái tên Sơn Tùng đã mặc nhiên trở thành một cái “cây trên núi” theo cái nghĩa đẹp nhất của nó trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ: Một mầm viết mạnh mẽ và kiên trì vươn sáng từ bao chắt chiu, thử thách!

  • Theo Thiên An (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)