Áo dài - một biểu tượng đẹp của văn hoá Việt Nam

Lễ hội “Áo dài không biên giới” do Hội Áo dài Việt Nam (Chủ tịch hội là bà Tôn Nữ Thị Ninh) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra tối 21.1 tại sân vườn Dinh Thống Nhất (TPHCM).


Gia đình ông G.Boivineau trong trang phục áo dài của NTK Minh Hạnh.
Ảnh: Hải Đông

Chương trình có sự tham gia của đại diện 10 tổng lãnh sự các nước: Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Cuba, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào tại TPHCM và 5 tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại VN… Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với bà Bích Huệ Boivineau - phu nhân Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM nhân sự kiện này:

Vì sao bà lại đồng ý tham gia vào lễ hội với tư cách là một người biểu diễn?

- Cả gia đình tôi - chồng tôi Gerard Boivineau, con trai, con gái - cũng đều tham gia lễ hội đấy! Nếu được mời tham gia như một người mẫu thì tôi đã từ chối... Gia đình tôi tham gia lễ hội vì đây là một đêm văn hoá từ thiện - toàn bộ số tiền quyên góp được từ lễ hội sẽ được Hội Áo dài VN, Hội LH Phụ nữ Thừa Thiên - Huế trao tặng cho 70 hộ gia đình nghèo ở Phong Điền, Thừa Thiên - Huế và một chiếc ghe giúp học sinh huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đến trường. Khi chị Tôn Nữ Thị Ninh và nhà thiết kế Minh Hạnh đưa ra lời mời, chồng tôi đồng ý tham gia ngay. Có 20 nhà thiết kế (NTK) tham gia lễ hội này.

Thành phần trình diễn lễ hội rất phong phú: Gia đình một số vị tổng lãnh sự, đại diện các tổng lãnh sự quán, ngân hàng nước ngoài, Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân, Hoa hậu Việt Nam 2008 Nguyễn Thị Thuỳ Dung, các cô người mẫu Cty Model World... Như vậy, khán giả có dịp thưởng thức, so sánh áo dài được thể hiện bởi người mẫu có quốc tịch, màu da, độ tuổi, vóc dáng rất khác nhau?

- Tôi nghĩ, chiếc áo dài được thể hiện dưới nhiều dáng vẻ khác nhau chính là điểm hay của sự kiện này. Một điểm rất hay của áo dài Việt Nam là khi ta mặc vào, nó làm nổi bật ưu điểm và che bớt những khiếm khuyết cơ thể. Người phụ nữ trong tà áo dài trông thật thướt tha, uyển chuyển, nhẹ nhàng và thanh lịch!

Bà có nhiều áo dài không, của những NTK nào? Theo bà, việc chọn (may) áo dài ở một NTK nào đó có phụ thuộc vào tên tuổi của NTK, hay tính thời trang của áo dài?

- Trong việc lựa trang phục cho mình, tôi luôn ủng hộ các NTK Việt Nam! Tôi có khá nhiều áo dài, mặc vào các dịp bình thường, đại lễ. Trước đây, khi ở Hà Nội, nghe ai may áo đẹp, có tiếng là tôi tới may. Sau này, vào TPHCM, tôi nghe tiếng áo dài Minh Hạnh. Tôi tới đó may, thấy vừa ý và thường mặc áo dài Minh Hạnh vào các dịp đại lễ. Ngoài ra, tôi cũng có áo dài của Thuý Nga Designer.

Cái nhìn của bà về áo dài, qua năm tháng, từ khi là một thiếu nữ Hà Nội tới lúc là phụ nữ Pháp gốc Việt, có gì thay đổi? Khi giới thiệu áo dài ra nước ngoài, nên chú ý điểm gì?

- Với tôi, hình ảnh áo dài luôn gắn liền hình ảnh Việt Nam. Năm 1993, tại Hà Nội, khi chúng tôi tổ chức đám cưới (lúc đó, anh Gerard Boivineau làm ở Đại sứ quán Pháp), nhiều đại diện của đại sứ quán tới dự tiệc cưới đều mặc áo dài. Điều này khiến chúng tôi rất cảm động... vì tình cảm của họ dành cho tà áo dài Việt Nam. Khi đưa các con về thăm Hà Nội, tôi vẫn mua áo dài cho chúng mặc và nói cho chúng nghe về áo dài, về văn hoá Việt Nam. Chồng tôi sau đó được Nhà nước Pháp cử làm Phó Đại sứ tại Thụy Điển, Nigeria... Tại những nơi này, khi có dịp, tôi luôn mặc áo dài, giới thiệu với bạn bè các nước món ăn truyền thống Việt Nam...

Theo tôi, khi mang áo dài ra nước ngoài giới thiệu, nên mang nhiều loại, áo dài xưa, áo dài nay, áo mặc ngày thường, áo mặc đại lễ... để giới thiệu được tính phong phú và cả tính không biên giới của chiếc áo dài Việt.

- Xin cảm ơn bà.

  • Theo Lâm Tuyền (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)