Tiếp cận gần hơn với người xem

Sáng 10.1, Bảo tàng Phụ nữ VN tổ chức đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Ba do Đảng và Nhà nước trao tặng. Đây cũng là một mốc son quan trọng trong quá trình phát triển không ngừng của bảo tàng gần một phần tư thế kỷ qua.

Cách đây đúng 24 năm, ngày 10.1.1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Phụ nữ VN (BTPNVN), kể từ đó đến nay, BTPNVN là một trong những bảo tàng thu hút được lượng khách lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta. Trong những năm gần đây, bảo tàng ngày càng thể hiện sự đổi mới trong lựa chọn nội dung và hình thức thể hiện; các cuộc triển lãm đã hướng đến những vấn đề của cuộc sống đương đại mà xã hội quan tâm.


Lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ bí mật (ảnh chụp tại Năm Căn - Cà Mau năm 1972).
Ảnh: TTXVN

Không chỉ ngợi ca, tôn vinh một chiều những đóng góp của phụ nữ, mà bảo tàng còn đề cập tới những thách thức, khó khăn, những hy sinh, mất mát, những vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt trong cuộc sống đương đại ngày nay. Nhiều cuộc triển lãm có nội dung thời sự, mang tính phản biện xã hội được dư luận đánh giá cao như “Ai? Người quan tâm” (tiếng nói, câu chuyện của những người phụ nữ có HIV); “Những người phụ nữ vượt lên số phận” (là kết quả của cuộc thi viết về những người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn can đảm vượt lên số phận để không những giảm bớt gánh nặng cho xã hội mà còn lo được cho nhiều người khác, do bảo tàng phối hợp với Báo Lao Động tổ chức), “Tự hào nữ doanh nhân VN” và đặc biệt là “Gánh hàng rong” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan về những thách thức của phụ nữ trong thời kinh tế thị trường. Cũng chính vì lẽ đó mà “Gánh hàng rong” đã chính thức trở thành một phần của hệ thống trưng bày mới của bảo tàng vừa được khai trương cách đây chưa lâu.

Hệ thống trưng bày mới trên diện tích gần 2.000m2, gồm 3 chủ đề: Phụ nữ trong gia đình; phụ nữ trong lịch sử; thời trang nữ. Chủ đề “Phụ nữ trong gia đình” là một câu chuyện kể về người phụ nữ VN (gồm đại diện nhiều dân tộc khác nhau, cả trong truyền thống phụ hệ hay mẫu hệ) từ lúc trưởng thành, kết hôn, bước vào cuộc sống gia đình... Tất cả câu chuyện ấy được minh họa bằng những hiện vật, hình ảnh phong phú, sinh động. Chủ đề “Phụ nữ trong lịch sử” là những bộ phim, bức ảnh tư liệu, kỷ vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử từ các nhân vật có đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và xây dựng quốc gia qua các cuộc kháng chiến của dân tộc đến những người phụ nữ đương đại với tấm lòng nhân hậu, bản lĩnh, năng động... “Thời trang nữ” là chủ đề thể hiện sự tài hoa của người phụ nữ trong quá trình sáng tạo và làm đẹp thông qua nghệ thuật tạo hoa văn, đáp vải, dệt hoa văn, thiết kế trang phục, đồ nữ trang, trang điểm...

Để có hệ thống  trưng bày hiện đại và khoa học này, bảo tàng đã triển khai dự án một cách thận trọng và khoa học với sự trợ giúp của nhiều chuyên gia bảo tàng trong nước và quốc tế, từ khâu nội dung đến khâu thiết kế, trưng bày.  Bà Nguyễn Thị Bích Vân – GĐ bảo tàng - cho biết: “Cơ sở quan trọng nhất của dự án là sự đổi mới cách tiếp cận, lựa chọn nội dung và giải pháp trưng bày theo hướng nhân học văn hóa, nhân học xã hội, làm nổi bật bản sắc của một bảo tàng giới”. Còn PGS-TS Nguyễn Văn Huy - cố vấn cao cấp của dự án trưng bày - nhận xét: “...cố gắng giúp cho người xem hiểu rõ bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của từng câu chuyện về hiện vật gắn liền với tên tuổi của các nhân vật, sự kiện nổi tiếng cũng như những người phụ nữ bình thường nhưng đã để lại những dấu ấn trong cuộc sống. Những câu chuyện đó đã thổi hồn vào hiện vật và đó chính là nét độc đáo của bảo tàng này”.

Với hệ thống trưng bày này, BTPNVN muốn gửi đến thông điệp: Một nửa thế giới là phụ nữ! Hãy đến thăm bảo tàng để hiểu thêm về họ - những người mẹ, người vợ, người con gái đã góp công bảo vệ và phát triển đất nước, gìn giữ mái ấm gia đình, sáng tạo và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

  • Theo Trương Hoàng (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)