“Gươm thiêng trao trả hồ thần”

Nhà hát Cải lương Việt Nam đã dàn dựng và đang cho ra mắt vở "Gươm thiêng trao trả hồ thần" tại rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Hà Nội). Dựa trên kịch bản của Phạm Văn Quý, sự hòa quyện giữa lịch sử, yếu tố truyền thuyết và các khía cạnh trong đời sống tình cảm ở đây đã tạo nên nhân vật Lê Lợi - người anh hùng áo vải đánh thắng giặc Minh, mở đầu một trang sử vẻ vang của dân tộc - khá đa chiều.

Vở diễn mở màn bằng cảnh trang ấp ở Lam Sơn (Thanh Hóa), nơi Lê Lợi áo vải đi cày, nơi gia đình Lê Lợi mở quán "Chiêu hiền" tuyển mộ bình sĩ yêu nước, nơi Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn tìm đến để mong cùng giúp dân cứu nước. Từ đó, vở cải lương diễn ra tuần tự theo những sự kiện chính của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428), từ hội thề Lũng Nhai thu hút nhiều anh tài, những tháng ngày khó khăn của cuộc khởi nghĩa, cho tới khi nghĩa quân giải phóng thành Đông Quan, dẹp giặc Minh, Lê Lợi lên làm vua.

Là vở diễn lịch sử, song "Gươm thiêng trao trả hồ thần" không cứng nhắc với những sự kiện, biến cố ghi chép trong sử sách mà có đan cài, hòa quyện giữa các yếu tố truyền thuyết, những khía cạnh trong đời sống tình cảm. Hình ảnh Lê Lợi (Mạnh Hùng đóng) ở đây không chỉ yêu nước, thương dân hết mực, có tầm nhìn xa trông rộng, quyết đoán của bậc anh hùng mà còn rất nghĩa tình với vợ con, tướng lĩnh. Những tình tiết như người vợ cả Ngọc Lữ (Hồng Hạnh đóng) tình nguyện hy sinh để cản đường quân địch, người phi yêu Ngọc Trần (Thu Trang diễn) tình nguyện làm vật hiến tế, con gái Ngọc Trinh bị giặc Minh bắt đi, Mạnh Hùng diễn rất cảm động. Nhiều trường đoạn được hát cải lương khá hay như Lê Lợi nhặt được thanh kiếm Thuận Thiên, hội thề, tiến quân vào thành Đông Quan, chiến thắng… thấm đẫm suy tư, trăn trở của người anh hùng khi phải đưa ra những quyết sách lớn lao. Để cuối cùng cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi trả lại gươm thiêng như sử sách đã ghi, thì người xem vẫn không quên được hình ảnh xót xa khi mất mát người thân, vị vua áo vải phải thốt lên: "Tàn cuộc chiến này, ta còn lại gì?".

Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có sự đầu tư, chăm chút nhiều cho vở diễn. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai một lần nữa cho thấy những "pha" xử lý sân khấu khéo léo. Cảnh diễn viên trùm tấm vải với chuyển động làm sóng nước hồ Lục Thủy, rùa thiêng là những tạo hình khá "ngoạn mục" của sân khấu cải lương. Tám cô gái cầm những chiếc lá lớn, điều khiển nhịp nhàng, dần che khuất Ngọc Trần khiến chi tiết hiến tế Ngọc Trần cho thổ thần được xử lý một cách dễ hiểu, tinh tế. Ôm đàn nguyệt tự sự là hình ảnh quen thuộc của cải lương, nhưng đoạn Ngọc Trinh (con gái Lê Lợi) cùng các tì nữ gẩy đàn trong cung của Vương Thông với cách sắp xếp vị trí các diễn viên, trang phục, tư thế ngồi đã tạo nên một bố cục tạo hình đẹp, ấn tượng cho vở diễn.

Vở diễn thành công một phần cũng nhờ sự trợ giúp của âm thanh, ánh sáng. Hình ảnh hội thề Lũng Nhai khi tất cả nghĩa quân đồng loạt cắt máu uống rượu thề trở nên ấn tượng khi toàn bộ ánh sáng, không gian nhuốm màu đỏ. Những đoạn trong rừng với tiếng chim, thú, hay những cảnh chiến trận với tiếng gươm đao, reo hò khá sinh động.

"Gươm thiêng trao trả hồ thần" sẽ thành công hơn nếu không bỏ lại một vài hạt sạn. Phục trang của tất cả các nhân vật đều đẹp, lộng lẫy, đúng tinh thần lịch sử, nhưng khi trong cả một trường đoạn, Ngọc Trần ôm đứa con Lê Nguyên Long (sau này là vua Lê Thái Tông) mới 3 tuổi thì đứa bé lại được quấn bằng một tấm chăn cotton in hoa văn hiện đại chứ không phải bọc gấm lụa, hoặc vải đũi thời xưa. Lời thoại đôi lúc có vẻ bất nhất khiến người xem cứ băn khoăn về động lực cho cuộc khởi nghĩa của người hùng. Ngoài ra, sự lạm dụng khói lửa làm sân khấu quá mù mịt...

  • Theo Lâm Đại (Hanoimoi)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)