Khi văn hoá là sứ giả của bình yên

Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có 28 dân tộc sinh sống với nhiều phong tục văn hóa vừa chung vừa riêng… Đặc biệt, sinh hoạt văn hóa ở các buôn làng không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là thành tố tạo nên sự bình yên ở phố núi.


Già làng Rơ Châm Jú (ảnh nhỏ). Siêu thị sách ở Pleiku. Ảnh: V.V

Khi già làng làm văn hoá

Đến huyện Chư Păh, khi hỏi thăm già làng Rơ Châm Jú, làng Mrông Ngó, xã IA Ka, thì trẻ con cắp sách cũng biết. Ông không chỉ là già làng quyền uy trong tộc người Gia Rai ở vùng này, mấy năm nay ông còn là “người mẫu” chụp ảnh lịch của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Hơn thế, ông là cựu du kích thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhiều thành tích, đặc biệt là thành tích “nằm vùng” cho An ninh T4, lấy thông tin bố phòng, di chuyển quân của căn cứ Mỹ đóng tại Chư Păh cho quân chủ lực giải phóng.

Hỏi ông công việc già làng như thế nào. Ông hào hứng nói: “Bây giờ bọn trẻ được đến trường học cái chữ, được nghe radio, xem tivi, Internet, hiểu biết hơn thời mình, nên chúng cũng hay sinh ra nhiều “chứng”, ít chịu nghe ai trong buôn, chỉ chịu nghe già làng. Nên mình thường hay khuyên bảo chúng phải học tập người Kinh, học cho giỏi, về giúp buôn làng thoát nghèo. Mình cũng hay kể chuyện truyền thống người dân Gia Rai đã chiến đấu giữ buôn làng thế nào, để chúng nhớ ơn người trồng cây cho chúng ăn trái. Mình hay tập hợp bọn trẻ trong nhà rông, tổ chức hát múa các điệu hát dân tộc Gia Rai, kết hợp tuyên truyền vận động các chủ trương chính sách của Nhà nước... Nhờ vậy làng mình bình yên, an ninh trật tự tốt, không có ai nghiện hút, không trộm cắp...”.

Già làng Djin, 70 tuổi, người Gia Rai ở làng Phung 2, xã Biển Hồ, lại có cách làm văn hóa khác. Nhà ông có một khung dệt thổ cẩm, vợ và con gái ông dệt vải may các bộ váy áo dân tộc Gia Rai và từ đó ông khuyên các gia đình trong làng gắng giữ nghề dệt “tổ tiên truyền lại”, khi các loại áo quần may sẵn bán đầy chợ Biển Hồ, sát làng của ông. Mà cũng nhờ thế, ở xã Biển Hồ có vài hợp tác xã dệt may thổ cẩm khá nổi tiếng, phụ nữ của làng vừa giữ được nghề, vừa có công ăn việc làm. Già làng Djin nheo nheo mắt, miệng cười hóm hỉnh, bảo lấy “nguyên mẫu” cuộc sống hạnh phúc vợ chồng hơn 40 năm của ông và bà H’Nghỉ, chưa bao giờ to tiếng nhau, để làm gương cho các gia đình khác, khuyên họ sống an vui, hòa hợp vợ chồng con cái...

Anh H’Nghi, cũng người Gia Rai, tuy chưa phải già làng vì còn trẻ, nhưng là thôn phó làng Thung Dor, kiêm công an viên xã An Phú được 2 năm nay. Làng của anh phần lớn bà con là người dân tộc theo đạo Tin lành, chung sống rất đoàn kết. Sắp Tết Nguyên đán, tuy là tết của người Kinh, nhưng thôn vẫn chuẩn bị heo, gà, vịt, cá để ăn tết. Đặc biệt, các giáo dân đang tập văn nghệ để đến tết, ra hát múa ở sân khấu dựng ngay trong sân nhà thờ của làng. Hỏi anh công việc của một thôn phó, anh kể: “Úi, làm hết. Mình thấy gia đình nào nghèo thì lên xã, huyện xin tiền cho họ. Trẻ con bỏ học thì làm đơn xin xã hỗ trợ cho trẻ đến trường. Rồi cùng già làng phân xử những tranh chấp hay lộn xộn trong phạm vi làng, mang luật pháp nhà nước ra giảng giải cho họ hiểu để không vi phạm. Trai gái yêu nhau cũng tới hỏi mình như làm tư vấn hôn nhân gia đình...”.

Không giấu niềm vui, anh khoe: “Làng bé tí thế mà có một trai làng tên Y Tưng, đã đứng hạng 3 cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2010 ở khu vực miền Trung Tây Nguyên... Trong làng cũng có giàn máy karaoke để người dân hát chơi, giải trí, thi hát với nhau...”.

Văn hoá đọc ở “phố núi”

Điều hiếm có ở các vùng cao, nơi có nhiều người dân tộc sinh sống là TP.Pleiku có rất nhiều nhà sách, đặc biệt có 2 siêu thị sách “đồ sộ” ở ngay trung tâm thành phố. Một là Nhà sách văn hóa TP.Pleiku, của Phòng Văn hóa- Du lịch Gia Lai; một siêu thị sách thuộc Fahasa. Ở Nhà sách văn hóa TP.Pleiku, người quản lý cho biết: “Nhà sách có trên 10.000 đầu sách các loại. Mỗi năm nhà sách còn tổ chức nhiều đợt khuyến mãi mua sách, ngày hội đọc sách với phần thưởng có giá trị cao, thiết thực với đời sống như tivi, tủ lạnh, máy giặt... Khi hỏi có nhiều người dân tộc thiểu số vào mua sách, một cô nhân viên gần đó chen vào: “Họ mang cả gùi đi mua sách, nói mang về để vào nhà rông cho mọi người cùng đọc”... TP.Pleiku cũng khác với nhiều thành phố khác, là có nhiều sạp báo tư nhân.

Không dừng lại lâu ở “phố núi” Pleiku, nhưng điều ấn tượng khi đi vào mấy buôn xa, cách TP.Pleiku vài chục kilômét, trong nhà người dân làng hầu hết đều có tivi và họ cũng đã “học” các cách sinh hoạt, trang trí nhà cửa, trưng bày phòng ốc hao hao như người Kinh. Có điều khác thật ấn tượng đó là ánh mắt của con trẻ, những ánh mắt sáng với nét nhìn hoang dã, khát vọng mênh mông như bầu trời xanh trong veo của cao nguyên, nắng gió.

  • Theo Việt Văn (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)