Chúng
tôi may mắn gặp được nghệ nhân làm đàn tính Lò Văn Ơn, người dân tộc
Thái, thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong khung
cảnh rộn rã của Liên hoan. Dáng người đậm, khỏe khoắn, gương mặt thuần
phác, giọng nói lơ lớ tiếng Kinh. Ông kể, năm nay ông 54 tuổi thì đã có
30 năm biết hát Then và làm nhạc cụ dân tộc trong đó có đàn tính. Hồi
còn nhỏ, tuổi thơ của ông gắn liền với những điệu hát, tiếng đàn của ông
nội, của bố và cả những nghệ nhân cao tuổi trong bản. May mắn hơn, gia
đình ông còn có truyền thống chế tác các nhạc cụ của dân tộc Thái.

Để
nối nghiệp gia đình, ông đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Ông Ơn cho
biết, để làm nên hình hài một nhạc cụ không khó, song để chỉnh âm
thanh, đủ tiêu chuẩn độc tấu, hòa tấu lại chẳng dễ chút nào. Nó đòi hỏi
người làm vừa có kỹ thuật cao vừa có tai nghe chuẩn. Tai nghe thì ông từ
nhỏ vốn được nghe nhiều nghệ nhân cao tuổi, những người hát hay đàn
giỏi biểu diễn giờ đã thấm vào máu. Một bản nhạc cất lên ông có thể biết
là hay dở đến đâu. Còn kỹ thuật dù được truyền tay nhưng mỗi người lại
một bí quyết, sở trường.
Ngoài đàn
tính, bộ nhạc cụ của dân tộc Thái có đến 20 chiếc gồm cả bộ gõ, bộ hơi,
bộ gảy… Tất cả đều được ông nghiên cứu để tìm ra bí quyết riêng cho
mình. Tuy vậy, những ngày đầu bắt tay vào làm nhạc cụ quả không dễ dàng;
ông làm hỏng rất nhiều nhạc cụ. Hỏng thì làm lại. Nhiều lần như thế đã
cho ông những bài học kinh nghiệm. Ông nói, nghề làm nhạc cụ đòi hỏi độ
chính xác rất cao; không kiên trì không thể làm được. Để làm đàn tính,
vật liệu gồm quả bầu, gỗ dổi lụa, hay gỗ sữa ông đều phải đặt hàng bà
con trong bản vào rừng kiếm. Có vật liệu rồi, với tùy từng kích cỡ quả
bầu sẽ cho ông chiếc đàn tính to hay nhỏ. Làm sao cán đàn và quả bầu cân
đối, hài hòa. Bầu nhỏ cán dài, hoặc cán ngắn bầu to đều không chuẩn sẽ
ảnh hưởng đến âm thanh. Gỗ làm cán cũng phải chọn đúng độ tuổi. Tránh bị
xốp, không lựa chọn kỹ lưỡng cũng ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.
Ông
Ơn tâm sự, cả bản nơi ông ở hiện chỉ còn 1 - 2 người biết làm các nhạc
cụ dân tộc Thái, Điện Biên. Ai thì không biết nhưng với ông thì rất tâm
huyết. Ông coi đó là nghề có thể sống được nếu mình thật sự làm tốt,
chất lượng. Khách vẫn tìm đến mua đàn của ông đều đặn. Một chiếc đàn
tính cỡ trung bình với 3 ngày công, ông bán được khoảng 400 - 500 ngàn.
Đủ để ông nuôi dưỡng niềm đam mê.
Và
ông cũng đã truyền lại đam mê ấy cho hai người con trai của mình. Đến
nay, họ đã biết làm vài nhạc cụ, song để đạt được mức độ kỹ thuật cao
vẫn phải kiên trì và cố gắng hơn nữa. Bởi họ cũng như lớp trẻ ngày nay,
không có cơ hội được sống trong môi trường nghệ thuật dân tộc như ông
khi xưa. Điều mong mỏi nhất của ông hiện nay là làm sao có điều kiện mở
xưởng nhạc cụ, thu hút các bạn trẻ đến học nghề và đặc biệt học cách sử
dụng các nhạc cụ của đồng bào Thái.
Ngoài
làm nhạc cụ, giờ rảnh ông lại cùng bạn bè đánh đàn Tính, hát Then cho
nhau nghe. Những người yêu nhạc cụ dân tộc Thái ở bản ông đang có dự
định thành lập một ban nhạc dân tộc. Có chương trình cụ thể vừa hòa tấu,
vừa đệm cho múa, cho hát… Ban nhạc sẽ có người sáng tác những bài mới
đồng thời lưu giữ bài cổ…
Liên hoan
hát Then - đàn Tính năm 2012 khép lại trong niềm vui vì là dịp để các
nghệ nhân, các đoàn nghệ thuật có dịp trổ tài, đua diễn và cũng nặng nỗi
niềm trăn trở về nguy cơ mai một dần vốn văn hóa quý giá của đồng bào
Tày - Nùng - Thái. Mong sao rồi đây sẽ có thêm nhiều người như nghệ nhân
Lò Văn Ơn để tiếng hát Then, tiếng đàn Tính vang mãi với núi rừng, vang
mãi với thời gian./.
• Theo Daibieunhandan