Núi Trầm - Còn đó những chiến công

Giữa một vùng đồng bằng thẳng cánh cò bay, quanh năm xanh ngút ngát lúa ngô khoai sắn lại nổi lên một dãy núi đá vôi màu xanh thẫm huyền bí với thế núi tuyệt đẹp. Danh lam thắng cảnh này là núi Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).


Núi Trầm có nhiều hang động rất kỳ thú. Động Long Tiên là một động rất đẹp, cửa hang không lớn nhưng lòng hang rất rộng và cao. Từ trên trần hang rủ xuống hàng trăm nhũ đá với nhiều hình thù kỳ lạ. Trong động còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đặc biệt là tượng A Di Đà, tư thế ngồi thiền trên tòa sen với vẻ mặt đôn hậu, trầm mặc suy tư. Trên vách đá gần cửa hang còn lưu giữ nhiều nét bút tích của các nho sĩ từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn với hơn 20 bài văn, thơ, nội dung ca ngợi vẻ đẹp của vùng núi Trầm. Ở khu vục núi Trạo gần với núi Trầm có chùa Vô Vi, một ngôi chùa cổ được xây dựng năm 968, lưu giữ nhiều văn bia có giá trị sử liệu và nghệ thuật.

Năm 1516, vua Lê Chiêu Tông đã cho dựng hành cung rồi ra lệnh đào sông, khai suối quanh núi để du ngoạn. Hiện nay xung quanh núi Trầm còn nhiều di tích lịch sử kiến trúc văn hóa thuộc nhiều thời đại như chùa Long Châu (chùa Trầm), chùa Quan Âm, chùa Vô Vi, chùa Ba Lang, đền Cao Sơn, đền Mẫu...

Tại sao lại có tên núi Trầm? Cả cái tên nghe cũng đầy huyền bí. Chuyện kể rằng trước đây trên đỉnh núi này có một cây trầm cổ thụ, cao chừng 80m, thân cây mấy người ôm. Đây là loại cây quý, quanh năm cho một loại nhựa thơm gọi là trầm hương, có giá trị trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Chính vì thế mà người dân gọi núi này là núi Trầm. Sau này ngôi chùa được xây tựa lưng vào núi cũng được gọi là chùa Trầm.

Trong thời gian giặc Pháp xâm lược nước ta, chúng đã cho xây bốt trên núi Trầm, bà con gọi là bốt Trầm. Lính đóng trên bốt chủ yếu là lính đánh thuê cho Pháp gốc châu Phi, ngày ngày bọn lính lùng sục, càn quét tìm hầm bí mật và ngăn chặn lực lượng Việt Minh hành quân lên vùng Tây Bắc qua con đường huyết mạch số 6 đi Hòa Bình. Vào một đêm mùa đông năm 1952, du kích xã Phụng Châu đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh vào bốt này, toàn bộ lính Pháp bị tiêu diệt. Chiến công này đã góp phần quan trọng hướng tới thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

Nghĩa trang xã Phụng Châu đang được xây mới, hàng trăm liệt sĩ hy sinh trong những trận đánh quanh vùng núi Trầm và các liệt sĩ là con em quê hương hy sinh khắp các chiến trường được quy tập về đây. Trong số đó có mộ chí liệt sĩ Nguyễn Trọng Khoái, nguyên là cán bộ của báo Cứu Quốc nay là báo Đại Đoàn Kết.

Phụng Châu, mảnh đất truyền thống lịch sử hôm nay đã thay đổi nhiều. Với địa thế gần với thủ đô Hà Nội, người dân nơi đây có điều kiện làm dịch vụ buôn bán và sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp. Ngoài những cánh đồng bát ngát cho người nông dân lúa, ngô, khoai, sắn, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, như lập trang trại chăn nuôi, trồng chuyên canh cây có giá trị cao, nhất là các loại rau sạch. Một bộ phận người dân đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ, có thu nhập cao hơn cấy lúa.

Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Mặt trận khởi xướng đã được nhân dân xã Phụng Châu hưởng ứng nhiệt tình. Mục tiêu chính của cuộc vận động là giữ gìn bản sắc văn hóa trong đời sống. Mặc dù lối sống đô thị đã làm thay đổi cách sống nhưng tình nghĩa xóm làng thì không gì thay đổi được.

Từ bao đời nay người dân Phụng Châu vẫn lấy núi Trầm làm tâm điểm, mọi người đi đâu cũng tự hào về quê hương mình. Xây dựng gia đình văn hóa thời nay là một việc làm không dễ. Có người nói chỉ cần giữ được lối sống vì cộng đồng thôi cũng đã khó, nhất là trong thời đại hiện nay. Mỗi gia đình đều có nhận thức rằng, xây dựng gia đình văn hóa không chỉ có mình mà còn vì tất cả mọi gia đình ở chân núi Trầm này nữa. Mỗi khi phát hiện có hành vi tiêu cực xảy ra thì gia đình và ban công tác Mặt trận trên địa bàn cùng phối hợp giải quyết. Chính nhờ thế mà trong năm 2010 vừa qua, toàn xã đã có trên 90% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Vận động bà con nhân dân trong xã tích cực bảo vệ di tích, thắng cảnh quê hương để phục vụ khách du lịch cũng là nội dung Mặt trận cơ sở triển khai trong nhiều năm nay. Nhiều cháu nhỏ sống quanh núi Trầm có thể nói vanh vách cho du khách nghe về những chiến công của du kích núi Trầm, về lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Đài tiếng nói Việt Nam đọc năm 1946 ngay tại nơi đây. Nhìn những cháu bé thoăn thoắt đưa du khách vào hang động, giới thiệu rành rọt từng chi tiết về lịch sử, văn hóa, đọc thuộc cả những bài thơ khắc trên vách đá, ai cũng cảm phục. Thành công đó có sự đóng góp rất lớn của Mặt trận cơ sở trong việc vận động người dân giữ gìn danh lam thắng cảnh quê hương và giới thiệu cho du khách gần xa.

Theo Daidoanket

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)