“Duyên dáng à! Duyên dáng ơi!”

Đêm 9.1, tại TP.Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) đã diễn ra  “Duyên dáng Việt Nam” thứ 23. Đây là một chương trình đã có đẳng cấp trong các chương trình ca nhạc tạp kỹ của ta. Chương trình đã chọn được cái tên ngắn, nhưng hay: “Nhớ...”.

Qua nền phông với những cảnh trí xuất hiện, người xem thấy sự đầu tư cho việc tạo dáng mỹ thuật ở đây rất công phu, tuy nhiên chưa chứa đựng những hiệu quả thẩm mỹ. Rất sòng phẳng là chương trình không chơi hát play back (“hát nhái”) và chính sự sòng phẳng này đã phơi ra một khiếm khuyết khi ca sĩ nam trong tốp ca nam - nữ hát câu hát đầu tiên một sáng tác của Vi Nhật Tảo. Một nỗi nhớ quặn thắt vút lên trong tâm tưởng nhạc sĩ đã được thể hiện qua một giọng hát quá non nớt. Nghe giọng hát chới với, chênh phô của ca sĩ này thấy quá nhiều phân vân với giai điệu của nhạc sĩ mà từ lâu ta vẫn thích bởi những nồng thắm miệt vườn.

Hương Lan xuất hiện với “Mẹ tôi” khá chững chạc. Nhưng sau đó, với ca khúc của Bắc Sơn (một diễn viên điện ảnh), dễ thấy, hình như chủ đề “Nhớ” ở đây đang dần  nghiêng về nơi những người xa xứ ở khắp chân trời góc biển. Nỗi nhớ của những người xa quê trong đất nước chưa được những người làm chương trình để mắt. Phải chăng chương trình này là chỉ để dành cho đồng bào ta ở nước ngoài, hay là dành cho những người xa quê trên toàn cõi VN?

Những người làm chương trình càng ngày càng nỉ non với những nhịp chèo, những khúc boléro xưa cũ đã một thời làm mưa, làm gió trong những tháng năm bế tắc về thẩm mỹ âm nhạc của một khu vực âm nhạc không tìm ra lối thoát. Nó rất đồng cảm với một nơi nào đó, nhưng nó không thể đại diện cho “Duyên dáng Việt Nam” của thời buổi hôm nay. Ngay cả với thời trang cũng vậy, vẻ đẹp này là của dân tộc hay của ai?

Tôi đã nghe Đức Tuấn trong rất nhiều chương trình, cảm thấy tự hào khi anh dám chinh phục những đỉnh cảm âm nhạc mang tính nhân loại. Song ở chương trình này, Đức Tuấn hình như buộc phải thể hiện một tác phẩm mà mình chưa ngấm. Người nghe ở VN hôm nay không đến nỗi “thấy gì nghe nấy”. Họ cũng cần biết rằng “Duyên dáng Việt Nam” phải quyến rũ họ để nhớ về quê hương như thế nào. Quang Dũng lâu nay cũng là ca sĩ sáng giá trong nhiều chương trình. Nhưng thú thực, khi nghe Quang Dũng thể hiện “Chiếc lá cuối cùng” của Tuấn Khanh, tôi thấy hơi thất vọng “Idol” của các bạn trẻ. Đến khi nghe nàng nào đó (chắc cũng là ca sĩ hải ngoại) hát “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn thì người nghe và viết bài này thất vọng hoàn toàn vì yêu nhau thư thế... bằng mười hại nhau.

“Duyên dáng à! Duyên dáng ơi!”. Các bác làm chương trình này đã nghe quan họ lần nào chưa, đã biết thế nào là “Lúng liếng à! Lúng liếng ơi!” chưa. Cái duyên dáng VN là cái “Trúc xinh trúc mọc bờ ao / Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh”. Liệu “Duyên dáng Việt Nam” cứ phải thuần phục “California - Việt Nam” thì mới duyên dáng không? Chả nhẽ “Duyên dáng Việt Nam” lại chịu càng làm càng thụt lùi về thẩm mỹ âm nhạc thế sao?

  • Theo Phương An (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)