Miễn phí hoàn toàn vẫn không ăn thua!

Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang bị lãng quên. Các Nhà hát thường xuyên trong tình trạng bù lỗ, thậm chí phải đóng cửa. Thực trạng đáng buồn này đang “gặm nhấm” dần “sức sống” của những di sản quý báu.

Thực tế, việc các bộ môn nghệ thuật truyền thống bị lãng quên không phải mới xảy ra nhưng nay thực tế này trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi ngay cả những di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và cần được bảo vệ khẩn cấp thì lại gần như không có khán giả!

Nhà hát để cho thuê…tổ chức đám cưới

Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long là nơi biểu diễn Ca trù - một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và đang cần được bảo vệ khẩn cấp. Trung tâm được xây dựng và thành lập nhằm gìn giữ và phát triển nghệ thuật ca trù - loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời mang tính bác học và truyền khẩu đặc sắc.

Trung tâm tổ chức biểu diễn tất cả các ngày trong tuần, mỗi ngày có 3 ca diễn vào 15h - 16h30 và 18h, với thời lượng 45 phút/chương trình. Phòng biểu diễn có sức chứa 100 khách, không gian đẹp, hệ thống âm thanh, ánh sáng phù hợp với nghệ thuật ca trù. Và mặc dù nằm ở vị trí đắc địa, tập trung nhiều khách du lịch là 25 Tôn Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội (nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Cách Mạng) nhưng lượng khách lúc nào cũng trong tình trạng “khan”.

Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long hiện đã đóng cửa sau hơn 1 năm hoạt động. Ảnh: Quỳnh Chi

Thậm chí, trung tâm này hiện đã phải đóng cửa sau hơn 1 năm hoạt động (bắt đầu hoạt động từ 3.4.2009) vì không có khản giả. Tuy trung tâm đã làm mọi biện pháp, kể cả đã có sự hợp tác với các trung tâm lữ hành du lịch nhưng kết quả thì khách đến vẫn rất lẻ tẻ. Theo bà Lan Hương – Giám đốc Trung tâm, trung tâm đã làm mọi biện pháp có thể, thậm chí mời khách xem hoàn toàn miễn phí. Trung tâm còn đến tận các trung tâm lữ hành du lịch, các cơ quan tập thể và đến cả các trường ĐH mời sinh viên đến xem miễn phí nhưng lượng khách đến vẫn không đáng kể.

Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đóng cửa im ỉm vì không có khách. Ảnh: Quỳnh Chi

Nhà hát tuồng Việt Nam (51 Đường Thành, Hoàn Kiếm) mạnh dạn hơn khi kiên trì 7 năm nay xây dựng và thực hiện chiến lược “tiếp thị sản phẩm”. Nhà hát đã thực hiện một quy trình tiếp thị gần như hoàn hảo là: làm chương trình, mời lữ hành đến góp ý, diễn thử cho khách nước ngoài xem, thậm chí in bản thuyết trình vở diễn bằng 5 thứ tiếng. Một tuần 2 suất diễn vào tối thứ 5 và chủ nhật nhưng có những buổi chỉ có trên dưới 10 khách và nhà hát thì luôn ở tình trạng bù lỗ.

Rạp Kim Mã của Nhà hát Chèo Việt Nam (71 Kim Mã, Ba Đình) cũng trong tình trạng khan khán giả không kém. Nhà hát chỉ diễn được 15 buổi từ hồi khánh thành đến nay vì không ai mua vé vào xem. Sân khấu lớn của rạp Kim Mã 500 chỗ ngồi chỉ để dùng cho thuê hội họp, đám cưới….Và cuối cùng, nhà hát này đành phải xoay ra mở sân khấu nhỏ gần một trăm ghế phục vụ người xem và du khách.

Khi nào nghệ thuật truyền thống có khán giả?


Con số thống kê của Nhà hát múa rối Thăng Long năm 2009 hẳn sẽ khiến cho các nhà hát trên phải ghen tỵ. Một ngày diễn từ 4 đến 5 suất (15h30 – 17h00 – 18h30 – 20h00 – 21h15), 1 năm diễn gần 1700 xuất, thu hút trên 730.00 lượt khách du lịch. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận, vị trí đắc địa của Nhà hát múa rối Thăng Long (57B Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm) đã làm nên ít nhất 30% của con số trên.

Vậy 70% còn lại nằm ở đâu? Nhà hát múa rối Thăng Long đã tham dự nhiều Fesstival nghệ thuật tại Nhật Bản, Thuỵ sĩ, Úc, Thái Lan, Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha, Hong Kong, Đan Mạch....Vì thế, khán giả quốc tế biết đến loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này nhiều hơn. Tuy không phải là tất cả nhưng đây cũng là một trong những cách “tiếp thị” có hiệu quả!

Nhà hát múa rối Thăng Long đông khách hơn nhưng chủ yếu là khách nước ngoài. Quỳnh Chi

Khán giả “Tây” mặc dù được xếp vào hạng khán giả tiềm năng nhưng có lẽ để các loại hình nghệ thuật truyền thống này “sống” được thì cần phải có nhiều khán giả “ta” hơn nữa. Suy cho cùng, loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc nào cũng cần phải được khán giả của dân tộc ấy biết đến và đón nhận.

Theo NSƯT Hà Quốc Minh – Giám đốc Nhà hát Chèo VN, khán giả ít cũng là điều bình thường thôi. Nhưng không phải là vì họ không thích chèo, nhất là khán giả miền Bắc. Quan trọng là cách tiếp cận phải thế nào, nghệ sỹ diễn phải thế nào, chất lượng vở phải thế nào mới kéo người ta tới được.

Thưc tế, trong những năm vừa qua, trên sân khấu nhỏ của Rạp Kim Mã, các nghệ sỹ đã có những thay đổi để các vở diễn đỡ kén khán giả hơn. Sân khấu nhỏ không chỉ phục dưng các tích chèo cổ nổi tiếng theo lối mới mà dùng cả những giá đồng, hát lót cửa đình, rất hấp dẫn bởi tiết tấu không hề trì trệ.

Câu hỏi khi nào nghệ thuật truyền thống có khán giả không được trả lời trong ngày một ngày hai. Nỗ lực của những nghệ sỹ, những người làm nghề quan trọng hơn bất cứ điều kiện khác!

  • Theo Chi Anh (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)