Các địa phương rộn ràng lễ hội xuân

Lễ hội mùa xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam. Tại các địa phương, lễ hội xuân đã diễn ra tưng bừng và sôi động hòa chung không khí đón xuân Nhâm Thìn 2012 trên cả nước.

Đền Hùng

Gần 1 triệu lượt du khách về Đền Hùng

Ông Nguyễn Xuân Các – Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 7 Tết Nhâm Thìn 2012 đã có gần 1 triệu lượt du khách về thăm quan, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Năm 2012, Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng được tổ chức trong 6 ngày (từ ngày 5/3 đến ngày 10/3 năm Nhâm Thìn - tức ngày 26 đến ngày 31/3) tại thành phố Việt Trì và các xã vùng ven, trong đó trọng tâm là Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Điểm mới đáng chú ý tại Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng năm nay là lễ rước kiệu của các xã vùng ven về Khu di tích lịch sử Đền Hùng có sự tham dự của các đoàn Ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; tổ chức nhiều điểm hát Xoan tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và ở các phường Xoan gốc… nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa Thời đại Hùng Vương, quảng bá “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì trở thành trung tâm văn hóa – lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Phát ấn Đền Trần từ ngày 15 đến hết tháng Giêng âm lịch

Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Nhâm Thìn 2012 tại tỉnh Nam Định sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch (tức là từ ngày 5 đến 7/2/2012). Ban tổ chức sẽ phát ấn đến hết tháng Giêng năm Nhâm Thìn (từ ngày 6 đến 21/2/2012).

Năm nay, Lễ Khai ấn Đền Trần vẫn tiến hành theo nghi thức truyền thống là đúng 22h ngày 14 tháng Giêng, chất liệu ấn thống nhất một loại bằng giấy, đảm bảo tiết kiệm và không ô nhiễm môi trường. Bắt đầu từ 7h sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch sẽ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại ba nhà Giải vũ thuộc ba đền, phía trước nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một số điểm phát ấn tại khu vực vườn cây hai bên hồ nước phía trước cửa đền.

Hội Lim 2012 - Nét văn hóa đặc sắc của quê hương Quan họ

Hội Lim năm 2012 được tổ chức trong 2 ngày, mùng 3 và 4/2 (tức ngày ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là xã Nội Duệ, Liên Bão và thị trấn Lim, trong đó trung tâm lễ hội là đồi Lim - thị trấn Lim.

Từ ngày 12 tháng Giêng, các làng thuộc Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim mở cửa đình, đền, chùa tổ chức tế lễ dâng hương. Sáng ngày 13, tổ chức tế lễ, dâng hương tại khu vực lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn. Sau lễ rước, tổ chức dâng hương tại chùa Hồng Ân và các đình, đền, chùa khác ở các làng thuộc Nội Duệ, thị trấn Lim. Các trò chơi dân gian truyền thống được Ban tổ chức lễ hội duy trì, xác định đó là phần không thể thiếu của không gian lễ hội Lim năm nay.

Hòa Bình: Trên 1 vạn người tham dự Khai hạ Mường Bi

Ngày 30/1 (tức mùng 8 âm lịch), Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2012 đã tưng bừng diễn ra tại xóm Luỹ, xã Phong Phú (Tân Lạc). Lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội được chia thành hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang trọng tại miếu thờ xóm Luỹ.

Phần hội diễn ra sôi động với các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội năm 2012 là sự đua tài của 24 xã, thị trấn trong huyện ở 10 môn thi: hát đối, hát thường rang, môn bản âm, trại văn hóa, thi người đẹp trang phục dân tộc, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bóng chuyền, đánh mảng. Nét độc đáo của Lễ hội là phần trưng bày và giới thiệu ẩm thực Mường Bi do các xã, thị trấn thực hiện. Điểm mới của lễ hội năm 2012 có thêm Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật mùa xuân và con người Hòa Bình.

Tưng bừng Lễ hội xuân Yên Tử 2012

Nhiều Phật tử, du khách hành hương về Yên Tử vào sáng 1/2 (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) và dự lễ khai hội tại đây đã có ấn tượng mạnh mẽ về sự hoành tráng, rực rỡ nhưng cũng rất trang trọng của buổi lễ. Ngay từ sớm, cả cung đường dẫn đến lễ trường đã rực rỡ bởi sắc màu trang phục lễ hội của những đoàn rước lễ, biểu diễn văn nghệ và của đội múa rồng lân... Và sân khấu đậm chất lễ hội trở lên tưng bừng, sôi động hơn khi nhạc lễ vang lên, các đoàn rước tiến vào theo nghi thức rước rất trang nghiêm, long trọng.

Về lễ hội xuân năm nay, dù trong ngày khai hội nhưng Yên Tử “ghi điểm” ngay ban đầu với khách hành hương bởi con đường thoáng đãng, không bị ùn tắc, các loại xe được phân loại, có điểm trông giữ an toàn. Các điểm bán hàng đa phần được tập hợp tại chợ xuân, dưới khu vực bến xe Giải Oan. Dọc con đường hành hương từ dưới chân Yên Tử lên đến chùa Đồng, các điểm bán hàng rong khá thưa thoáng, đồng thời du khách hầu như không bị chèo kéo bởi những người bán hàng…

Theo CPV


© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)