Nhịp cầu nâng tầm hưởng thụ

Đại hội Hội Âm nhạc Hà Nội mới kết thúc, tin vui đã lan ra: Hội sẽ thành lập Trung tâm Khuyến nhạc đầu tiên tại Việt Nam và dự định ra mắt vào tháng 6 năm nay. Nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội trò chuyện với Hànộimới về "ngôi nhà" được xây với mục đích tạo lập cách thức hưởng thụ âm nhạc thực thụ cho khán giả Thủ đô sắp ra đời.


Việc ra đời Trung tâm Khuyến nhạc sẽ góp phần đưa nhiều thể loại âm nhạc khác nhau
gần hơn với khán giả Thủ đô.

- Từ đâu mà Hội đã có một quyết định tiên phong và tương đối mạo hiểm là thành lập Trung tâm khuyến nhạc này, thưa nhạc sĩ ?
- Tôi đã đến nhiều nước châu Âu, nhất là Nga. Ở đó, họ có một mô hình khuyến khích nhạc sĩ đưa tác phẩm đến gần với công chúng. Ví dụ, tại các công viên bao giờ cũng có một sân khấu xanh để nhạc sĩ, nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn tác phẩm và giao lưu với khán giả. Làm thế nào để người ta hiểu được âm nhạc muốn nói gì, từ đó khơi dậy khát khao thưởng thức, kể cả các tác phẩm cổ điển lẫn tác phẩm hiện đại, mới sáng tác. Ở nước ta trước nay cũng có nhiều hoạt động khuyến nhạc để nâng cao trình độ hiểu biết về âm nhạc cho khán giả nhưng đã đến lúc phải làm một cách tập trung, bài bản hơn.

- Có nghĩa là trung tâm sẽ hướng đến nhu cầu hưởng thụ âm nhạc cho khán giả Thủ đô?
- Hội Âm nhạc Hà Nội thành lập Trung tâm khuyến nhạc không đơn thuần là hướng tới nhu cầu hưởng thụ của khán giả. Nếu thế thì chỉ cần nhạc sĩ sáng tác, qua các đơn vị, chuyên gia thẩm định rồi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức biểu diễn là được. Điều chúng tôi muốn là nhịp cầu dẫn dắt người nghe đến những hiểu biết âm nhạc thực thụ, để họ có thể tự mình lựa chọn, điều chỉnh cách thức thưởng thức sao cho có ích nhất.

- Vậy, ý định của Hội về hoạt động của Trung tâm khuyến nhạc như thế nào, thưa nhạc sĩ?
- Hội đã phân công nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh tạm thời đứng ra phụ trách trung tâm. Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, NSƯT Nguyễn Hòa Bình, NSƯT Mai Bích Việt sẽ phụ trách từng mảng. Trước mắt, trung tâm hướng đến nhóm đối tượng cụ thể. Khi trung tâm đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành, đoàn thành niên, trường học, đoàn thể để tổ chức những chương trình biểu diễn, nói chuyện có minh họa theo chủ đề họ thích nhưng có tính định hướng, nhất là cho học sinh, sinh viên và các bạn trẻ. Sau đó, trung tâm sẽ thiết lập những CLB sinh hoạt định kỳ, có nâng cao. Một buổi sinh hoạt khoảng 2 giờ sẽ giới thiệu để khán giả hiểu được một khuynh hướng âm nhạc cụ thể, những thuật ngữ, giá trị của từng dòng âm nhạc, từng tác giả, cũng như giải đáp thắc mắc, khơi dậy mơ ước, sáng tạo âm nhạc của các hội viên.

Năm năm nữa, chúng tôi kỳ vọng một mô hình xã hội hóa khuyến nhạc với lịch hoạt động đều đặn và chuyên nghiệp, trở thành ngôi nhà chung cho những người yêu nhạc, muốn phát triển trình độ thưởng thức cũng như sáng tạo âm nhạc của mình. Hiện các thành viên đang làm việc rất khẩn trương để thiết lập những “viên gạch” đầu tiên giữa trung tâm và đối tượng phục vụ.

- Ngoài việc “khuấy động” không khí âm nhạc Thủ đô thông qua trung tâm, Hội còn hướng đến mục tiêu nào trong thời gian tới không, thưa nhạc sĩ?
- Việc thành lập trung tâm chỉ là phần khởi đầu để gieo một hạt giống tinh thần của mơ ước vươn tới tầm cao mới cho âm nhạc nước nhà. Hội tiên phong trong 2 nhiệm vụ: tiếp tục sáng tác các tác phẩm mang tính nghệ thuật, tư tưởng cao phục vụ công chúng và nối liền sáng tạo của nhạc sĩ với công chúng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Sau đó, Hội sẽ dần dẫn dắt “gu” thưởng thức âm nhạc của khán giả đến một nền tảng vững chắc của sự hiểu biết và hưởng thụ.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ và chúc trung tâm sắp tới đi vào hoạt động hiệu quả!

  • Theo An Nhi (Hanoimoi)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)