Chưa thật sự có sân khấu truyền hình?

Đó là ý kiến của NSƯT - TS Bạch Tuyết tại buổi toạ đàm “Sân khấu truyền hình – từ kịch bản, dàn dựng đến tổ chức truyền hình” diễn ra ngày 6.1 tại TP.Cần Thơ, trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu ĐBSCL. Nhận định đó tưởng vô lý, nhưng qua cuộc toạ đàm này xem ra là có cơ sở thực tế...


Ảnh: Internet

Theo NSƯT - TS Bạch Tuyết, đã gọi là loại hình thì phải có những nguyên lý sáng tạo, cũng như phương pháp nghệ thuật đặc thù của loại hình đó. Còn ở đây, một kịch bản, một đường dây, một phong cách dàn dựng, biểu diễn từ sân khấu (SK) sàn diễn  - vốn tồn tại trong không gian của SK hộp – lại thản nhiên và... ngang nhiên bước vào một phim trường với vài chục mét vuông, vài ba góc máy, cả chục đến trăm ngọn đèn lớn nhỏ chăm chăm đổ vào diễn viên...

Với diễn viên biểu diễn, nghệ thuật hóa trang cách điệu, đậm nét vốn là của SK sàn diễn, nay mang hết chừng ấy son phấn lên phim trường, qua ống kính truyền hình, chả trách nhiều khán giả mới nhìn thoáng qua đã vội kêu “đúng là son phấn như dân cải lương”! Vì vậy, NSƯT - TS Bạch Tuyết cho rằng: “Đó là một sự vay mượn, chụp giựt từ SK sàn diễn và sự dễ dãi, tùy tiện này đã dần dần đẩy “thực đơn” SK truyền hình vào tình trạng... mài mòn, đồng thời “góp phần” làm vơi dần các giá trị cũng như chất lượng nghệ thuật của loại hình SK đặc thù này”.

Theo nhà biên kịch Lê Duy Hạnh (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ SK VN), vở diễn SK được phát sóng trên truyền hình có 2 dạng: Một là, vở có sẵn (tức các đoàn nghệ thuật biểu diễn trên SK sàn diễn), truyền hình thu rồi phát lại. Hai là, vở do các đài truyền hình tự thực hiện. Việc xử lý không gian của 2 dạng vở này khác nhau, một đậm chất SK (ước lệ), một đậm chất truyền hình (điện ảnh – tả thực). Vì vậy, từ sáng tác kịch bản, dàn dựng, biểu diễn... đều khác nhau. Thu hình các vở diễn sàn diễn là truyền hình thụ động, còn các đài truyền hình tự tổ chức thực hiện vở diễn là truyền hình sáng tạo. Hiện nay có nhiều đài truyền hình, nhưng gần như không có lực lượng làm truyền hình SK, nên hầu như chỉ thu lại các vở diễn sàn diễn rồi phát sóng. Đây là cách làm... gia công, thụ động, làm mất uy tín SK với khán giả!

Ở góc độ khác, nhà báo Cát Vũ cho rằng: Khoảng 10 năm trở lại đây, trước làn sóng tấn công ồ ạt của thể loại phim truyện truyền hình, SK như một đội quân ít ỏi, yếu ớt rút vào “hoạt động bí mật”. “Bí mật” bởi những giờ vàng ngày trước thường ưu tiên cho SK, nay thường bị phim truyện truyền hình và các chương trình truyền hình trực tiếp khác (ca nhạc, lễ hội, gala...) đánh bật và bị đưa vào những giờ không cố định; thậm chí vào giữa khuya... Lý do, theo nhà báo Cát Vũ: “Thái độ ruồng rẫy này của nhà đài dựa vào lý do xem ra rất chính đáng trong thời buổi kinh tế thị trường, ấy là các chương trình SK không thu hút được nhiều quảng cáo giữa thời buổi các đài truyền hình mọc lên như nấm...”.

Qua cuộc toạ đàm, nhìn từ góc độ  chuyên môn, có thể thấy loại hình SK truyền hình chỉ mới là “SK qua ống kính truyền hình” như cách gọi của NSƯT - TS Bạch Tuyết. Còn đứng ở góc độ công năng, coi SK truyền hình là một phương tiện tuyên truyền giáo dục thông qua việc đưa nghệ thuật SK đến với công chúng, thì SK truyền hình được đánh giá là “đứa con bị ruồng bỏ”, như cách ví von của nhà báo Cát Vũ!

  • Theo Lê Như Giang (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)