Những kỷ vật sống sót kỳ lạ qua chiến tranh

Những lá thư chan nước mắt, những vật dụng hàng ngày từ quạt bàn, bếp dầu đến nồi, lược... được làm từ chính những mảnh xác máy bay địch bị bắn rơi.


Chiếc quạt được làm từ mảnh xác máy bay AC130.

Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến không chỉ thu hút được các cựu chiến binh, nhân dân cả nước, sự kiện này còn được các cựu binh Mỹ, Pháp từng tham chiến ở Việt Nam hưởng ứng. Cuộc vận động kéo dài trong 3 năm (2008-2010) và đã tiếp nhận được 11.000 kỷ vật. Và những kỷ vật tiêu biểu trong số này đã được lựa chọn triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến - Dấu ấn thời gian" vừa khai mạc chiều 15/12 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chính vì ý nghĩa đặc biệt của nó mà cuộc triển lãm đã thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng.


Những chiếc đèn được làm từ vỏ bom đạn và những vũ khí thu được của lính Mỹ.

Những kỷ vật mang trên mình cả lịch sử, máu và nước mắt, khơi dậy ký ức về quá khứ đau thương nhưng hào hùng của dân tộc khiến người xem dù ở lứa tuổi nào cũng cảm thấy xúc động. Lịch sử được tái hiện một lần nữa qua những kỷ vật được được sử dụng trong 9 năm Kháng chiến chống Pháp (1945-54) và tiếp đó là cuộc Kháng chiến chống Mỹ trường kỳ (1954-75) của dân tộc, tái hiện huyền thoại đường Trường Sơn, trận Điện Biên Phủ trên không và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những kỷ vật được trưng bày lần này có lẽ giá trị hơn cả hàng ngàn trang sách.


Vật dụng cá nhân chế từ àm từ ống pháo sáng và mảnh máy bay Mỹ.

Đó là chiếc chân giả của đồng chí Nguyễn Bằng Phi làm từ mảnh xác máy bay và vỏ pháo sáng. Chiếc chân giả này đã được lắp vào chiếc chân đã bị chính mảnh pháo sáng chặt đứt để chủ nhân của nó có thể tiếp tục vào chiến trường chiến đấu chống Mỹ. Đó là chiếc xe đạp của liệt sĩ Lang Sỹ Thuỷ, chiến sĩ trinh sát sư đoàn 320. Bị thương ở cánh tay phải, được ra Bắc điều trị rồi được phân công công tác gần nhà nhưng đồng chí Lang Sỹ Thuỷ đã trả lại quyết định, mượn xe đạp của chị gái, đạp ngược trở lại chiến trường Quảng Trị vào thời điểm ác liệt nhất để tiếp tục chiến đấu rồi hy sinh.


Sản phẩm ra đời từ mảnh xác máy bay Mỹ, chiếc thứ 2000.

Đặc biệt triển lãm lần này còn đưa ra nhiều bộ sưu tập quý lần đầu công bố. Đó là bộ sưu tập "Ngọn lửa sáng mãi" với hàng chục kiểu đèn với kích cỡ và kiểu dáng khác nhau mà trong số đó có rất nhiều chiếc được làm từ vỏ bom bi, bom dứa, đạn M-79 và những vũ khí thu được của lính Mỹ. Bộ sưu tập đồ dùng làm từ ống pháo sáng và mảnh máy bay Mỹ. Những mảnh máy bay của quân đội Mỹ bị bắn rơi được cưa, đục, chạm trổ biến thành đĩa, phích, ca, cốc, lược chải đầu và thậm chí là những chiếc nhẫn làm quà tặng cho mẹ, cho người yêu ở hậu phương. Trong số này còn có bộ sưu tập lược, nhẫn làm từ kính xe tăng do đồng chí Dương Xuân Cường chế tạo. Ngày chiến thắng trở về, anh mang theo hai chiếc phích chế từ ống pháo sáng được chạm khắc hết sức tinh tế làm quà tặng người thân.


Những cuốn sổ tay sống sót kỳ diệu qua bom đạn.

Tuy nhiên, gây xúc động nhất cho người xem vẫn là những bức thư thời chiến. Những bức thư đẫm nước mắt của những người mẹ ngóng chờ con ở chiến trường xa. Những lá thư chứa đầy nỗi nhớ của người vợ xa chồng. Từ chiến trường, những lá thư được gửi về hậu phương lại là nỗi nhà, nhớ người thân cồn cào. Những tình cảm ấy, người sống trong thời bình không thể cảm hết nhưng sẽ thấy quý giá và trân trọng những giây phút hiện tại được sống bên người thân. Không chia ly, không bom đạn và không cả cái chết. Nhiều bức thư được triển lãm hôm nay giấy đã hoen vàng và chủ nhân của nó có khi không còn nữa nhưng tình yêu thương thì vẫn cứ ngập tràn trong mỗi nét chữ.


Những chiếc ca được chế từ ống pháo sáng vầ mảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Bức thư của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Quỳnh gửi về cho gia đình năm 1971 còn in đậm nét chữ run rẩy của người cha bên lề khiến người đọc xúc động: "Quỳnh ơi! Ba không ngờ rằng bức thư này lại là bức thư cuối cùng con gửi cho Ba. Ở dưới Suối Vàng con có rõ. Đau lòng Ba lắm hỡi Quỳnh ơi!". Đó là dòng chữ nguyệch ngoạch, thơ ngây của một em nhỏ mới biết viết gửi thư cho người bố ở chiến trường. "em hương đã nói được rồi, gọi bố luôn và chỉ lên ảnh bố, con rất khoẻ và lớn, con sắp đi học lớp 1, con hứa với bố con sẽ học giỏi để bố yêu".

Đó còn là những dòng yêu thương mà Thiếu tướng Phan Khắc Hy gửi cho vợ năm 1975, vài ngày sau khi đất nước thống nhất: "Em yêu, chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn phải không. Ngày mai có người ra Hà Nội. Viết vội thư này nhắn tin nhanh cho em cho em biết để khỏi mừng và khỏi mong. Nhiều cảm xúc đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau ngày Giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua, bây giờ phải dành thì giờ để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống....".


Chiếc chân giả có số phận kì lạ của đồng chí Nguyễn Bằng Phi

Hơn 1000 kỷ vật được trưng bày là chừng ấy những câu chuyện cảm động. Nó nhắc nhở người xem về quá khứ, về nỗi đau mất mát trong chiến tranh và giá trị của hoà bình.


 


 


 


 


 


 


 


 

  • Theo Hạnh Phương- Nguyễn Hoàng (Vietnamnet)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)