Thiên nhiên, con người Việt Nam dưới góc nhìn một họa sĩ Nhật

Những ngày tháng 12 này, người dân Hà Nội và đặc biệt là những người  yêu hội họa sẽ có dịp được thưởng thức những bức tranh vẽ về thiên nhiên, con người Việt Nam của một nữ họa sĩ người Nhật bằng phương pháp đặc biệt. Đó là triển lãm tranh nhuộm katazome của họa sĩ Toba Mika.

Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội và 1300 năm Cố đô Nara (Nhật Bản). Triển lãm trưng bày 30 bức tranh nhuộm theo nghệ thuật katazome (nghệ thuật truyền thống có hàng ngàn năm nay ở Nhật Bản) được họa sĩ người Nhật Bản vẽ từ năm 2000 khi chị đã nhiều lần đến Việt Nam. Các bức tranh của chị chủ yếu vẽ về phong cảnh, thiên nhiên trên khắp các miền ở Việt Nam từ Hà Nội đến Huế, TP Hồ Chí Minh.

Phố Nhật Bản

Vẻ kiều nữ, xinh đẹp của Toba Mika khiến nhiều người bất ngờ khi biết chị đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á là nơi chị đặc biệt quan tâm. Nhưng khi đến Việt Nam, chị đã có cảm nhận khác hẳn những nơi khác, một cảm giác gì đó gần gũi với khung cảnh xa xưa của Nhật Bản trước đây. Tất cả điều đó dồn vào con mắt người họa sĩ khiến cô liên tục cho ra các tác phẩm vẽ về Việt Nam chứ không phải ở Nhật Bản

Đường tàu.

Trước triển lãm được tổ chức ở Hà Nội lần này, chị đã có ba cuộc triển lãm được tổ chức ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh vào năm 2003 và 2005, gồm hầu hết là những bức tranh lụa khổ lớn, hầu hết là các phong cảnh sinh hoạt sông nước, đô thị trong sự tương phản giàu nghèo, những tháp Chàm thâm nghiêm ở Mỹ Sơn, những đường tàu đi vào phố cổ Hà Nội.

Quần tụ chốn êm đềm.

Trong triển lãm lần này, nhiều bức tranh cũ của chị về Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh tiếp tục được chị chọn ra trưng bày. Đó là những mái nhà san sát kề bên đường ray xe lửa, những mảnh tường chăng chịt những con số “khoan cắt bê tông”, những dãy nhà ổ chuột tối mờ trên những con lạch nhỏ tí, đen sì, có khi lại đỏ rực, hầm hập nóng… Điều đặc biệt trong tranh của Toba Mika là không có con người, nhưng lại khiến người xem vẫn nhận ra tính nhân văn của tác phẩm. Chị vẽ phong cảnh nhưng không đơn thuần là chỉ có cảnh mà ẩn hiện bên trong là cuộc sống, là số phận của con người ở vùng đất đó. Đó là nghệ thuật lấy cảnh vẽ người. Chỉ một bến thuyền dập dềnh trên sông với những chiếc thuyền nan nhỏ năm san sát nhau được chị đặc tả trong buổi sớm mai đã phần nào cho thấy sự lam lũ của con người nơi đây…

Bên kia những tấm khăn

Cuộc sống ở Việt Nam đang thay đổi, chuyển mình theo hướng phát triển đi lên, văn minh hơn và chính vì thế cuộc sống ở đây luôn tràn đầy năng lượng. Điều này khác hoàn toàn với cuộc sống công nghiệp ở Nhật Bản khi mọi thứ quá ư văn minh, ngăn nắp, không chuyển dịch, không biến động và dễ dẫn đến sự nhàm chán. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến Toba Mika năm nào cũng sang Việt Nam để được chứng kiến sự thay đổi đó, thay đổi cách nhìn, được tiếp thêm năng lượng để chị có thêm những bức tranh về Việt Nam tiếp nối được ra đời.

Các tác phẩm của cuộc triển lãm sẽ được trưng bày ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 6.12 - 20.12.

  • Theo Đàm Anh (Laodong)

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)