Chuyên mục
Từ khóa
  Gửi câu hỏi
Đề nghị Cục người có công cho chúng tôi được biết, các đối tượng được thụ hưởng chính sách đối với người có công theo Nghị định số: 47/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ hiện còn thực hiện không; bởi vì ở địa phương chúng tôi nhiều người gửi hồ sơ cho các cơ quan chức năng từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hỏi bởi: Nguyễn Vĩnh Phúc lúc 09/08/2013 11:34:05 SA

Trả lời:  Nghị định số 47/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh số 19/2000/PL-UBTVQH10 ngày 14/2/2000 sửa đổi Điều 21 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã hết hiệu lực thi hành kể từ khi Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/6/2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực. Về ưu đãi người có công với cách mạng, ông có thể tham khảo các các quy định về điều kiện tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công tại các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành là Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Qua qua s trình thực hiện NDD54, HD theo TT16 về WDGD-ĐT tôi thấy có một bất cập nhỏ, đó là: Mẫu Quyết định cấp sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo không có tên người có công cho nên mỗi khi cầm trên tay Quyết định đó thì không biết được con đối tượng nào. Nếu, muốn biết thì phải tra lại hồ sơ nên mất công, khó quản lý. Trước đây đã góp ý cho Sở LĐTBXH nhưng vẫn chưa được điều chỉnh. Nay đề nghị lần này Bộ nên đưa vào mẫu để tiện theo dõi quản lý, xin cảm ơn./.

Hỏi bởi: Nhật Ca lúc 09/08/2013 11:33:58 SA

Trả lời:  Ngày 9/4/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến các Bộ, ngành vào dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ. Xin ghi nhận ý kiến của bà trong quá trình hoàn thiện Thông tư liên tịch./.
Kính gửi Cục Người có công. Ba tôi là Trịnh Danh, mất tháng 12-1966.Các giấy tờ có liên quan của ba tôi đã bị thất lạc. Nay tôi tìm lại được 1 bản lý lịch mà ba tôi đã viết vào tháng 2-1960. Bản lý lịch này được sao y bản chính viết vào tháng 5-1959, có người chứng thực. Trong lí lịch, có đoạn ba tôi khai về quá trình hoạt động cách mạng như sau: Quá trình hoạt động cách mạng: -Trước cách mạng: Lúc nhỏ tôi đi học, sau ở nhà tham gia sản xuất với gia đình. Lúc bấy giờ ở nhà , tôi có tham gia với các đ/c cũ trong việc kiện cáo chống bọn lý hương, cường hào, những vụ công điền, thuế khóa. Sau tôi có đi dạy học(hương sư) độ một năm. Tiếp đó tôi được các đ/c cũ trong thôn, xã dìu dắt tham gia Việt Minh bí mật (gần bán công khai). -Trong kháng chiến đến khi đình chiến: Tôi tham gia Việt Minh đến lúc cách mạng tháng 8-1945 ra đời, tôi đã làm những công tác: phụ trách thanh niên xã, bình dân học vụ xã, ủy viên tuyên truyền giáo dục trong ủy ban lâm thời xã. Qua Năm 1946 tôi ở tro

Hỏi bởi: Trịnh Thị Thiện lúc 09/08/2013 11:31:00 SA

Trả lời:  Tại Điều 10 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có quy định: “Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đứng đầu một tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã hoặc thoát ly hoạt động cách mạng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”. Người tham gia hoạt động cách mạng ở cấp xã nhưng không phải là người đứng đầu một tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã thì không thuộc diện xem xét công nhận.
Xin hỏi một số trường hợp như sau: 1./ Trường hợp đang hưởng thương binh do chiến đấu bị thương và do các vết thương tù, đày (tổng hợp các vết thương do chiến đấu và vết thương thực thể do bị tra tấn) 2./ Trường hợp đang hưởng thương binh do chiến đấu bị thương và bị tù, đày làm suy nhược thần kinh, .. (không có vết thương thực thể khi bị tù, đày)(tổng hợp các vết thương do chiến đấu và các ảnh hưởng do bị tra tấn) 3./ Trường hợp đang hưởng thương binh do các vết thương tù, đày (không có vết thương do chiến đấu) Hỏi các trường hợp trên có được xem xét hưởng tù, đày hàng tháng hay không? Theo qui định nào?

Hỏi bởi: Đoàn Tiến Phương lúc 09/08/2013 11:28:56 SA

Trả lời:  Ngày 15/5/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, trường hợp người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến có hoặc không có vết thương thực thể đã giải quyết chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh nếu có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 thì vẫn được xem xét, giải quyết thêm chế độ trợ cấp tù đày hàng tháng./.
Cha tôi Lê Quang Nậm sinh năm 1940 tại Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, tham gia đi chiến trường B vào ngày 1/4/1963.(theo diện Hồ sơ Bộ quốc phòng quản lý) Sau hòa bình lập lại, cha tôi về quê Hạ Trạch nhận Hồ sơ đi B để làm chính sách người có công thì xảy ra một việc là lúc khai thông tin tên họ thì người ghi hồ sơ năm 1963 lại ghi tên cha tôi là Lê Quang Lậm nên không trùng khớp với tên trong giấy tờ của cha tôi là Lê Quan Nậm. Chính vì vậy, cha tôi không làm thủ tục để hưởng chính sách được. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này thì phải làm như thế nào để nhận lại hồ sơ của cha tôi. Hiện tại cha tôi vẫn còn sống, nhưng rất tiếc là các giấy tờ, bằng khen lại mất hết. Kính mong tha thiết Cục người có công hướng dẫn để tôi và cha tôi nhận lại Hồ sơ đi B.

Hỏi bởi: Ngô Minh Sang lúc 09/08/2013 11:26:28 SA

Trả lời:  Hồ sơ đi B thuộc diện Bộ Quốc phòng quản lý, việc sửa đổi thông tin cá nhân hoặc có nguyện vọng nhận lại hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng. Đề nghị ông liên hệ với Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng để được trả lời cụ thể./.
Co chinh sach nao noi ve tien huan chuong cua liet si khong ? me toi la ba me VNAH,duoc toi phung duong nhieu nam.bay gio me toi chet,vay toi co duoc nhan tien phuc vu me VNAH theo chinh sach moi khong ?

Hỏi bởi: le ngoc sang lúc 09/08/2013 11:24:42 SA

Trả lời:  1. Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 04/6/2003 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công với cách mạng đã chết trước ngày 01/01/1995 như sau: “Đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Nghị định này là thân nhân của Người có công với cách mạng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ đã chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995”. Trong đó có thân nhân người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến hoặc Huân, Huy chương Chiến thắng. Hiện nay trợ cấp một lần đối với người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương chết trước ngày 01/01/1995 (trong đó có liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ) được quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP ngày 28/5/2012 của Chính phủ, mức trợ cấp 1.000.000 đồng 2. Chế độ người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng được thực hiện từ ngày 01/9/2012 theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và chỉ thực hiện đối với bà mẹ hiện còn sống tại gia đình. Trường hợp bà mẹ đã được phong tặng mà chết sau ngày 01/9/2012, chưa được hưởng trợ cấp người phục vụ thì đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng được truy lĩnh khoản tiền trợ cấp này từ ngày 01/9/2012 đến ngày bà mẹ chết./.
Tôi là cháu NỘI của mẹ VNAH. Sau đây tôi xin trình bày sự viêc như sau: nội tôi được nhà nước trao tăng danh hiệu bà mẹ VNAH năm 1996 với những đóng góp và hy sinh trong cách mạng.Cụ thể là nội tôi có chồng và hai con hy sinh trong kháng chiến.Cùng năm 1996, nội được công ty bia SÀI GÒN trao tặng nhà tình nghĩa .Sau nhiều năm sử dụng nhà đã xuống cấp. năm 2010,nội tôi đã làm đơn xin sửa chữa nhà. Nhưng chưa được nhà nước cấp cho tiền sửa nhà thì cuối năm 2011 nội tôi đã qua đời vì tuổi già.Hiện nay,cha tôi đang thờ cúng Ông Nội và hai Bác là liệt sĩ. Vừa qua,tôi được biết chính phủ có Quyet đinh 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng.Nay tôi viết thư này để hỏi “người có công “. Vậy cha tôi có được cấp chi phí để sửa chữa nhà Tình Nghĩa theo điều “ thân nhân liệt sĩ “ của Quyết định trên không?

Hỏi bởi: lê ngọc sang lúc 09/08/2013 11:21:33 SA

Trả lời:  Điều 2 Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công về nhà ở quy định đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, trong đó có thân nhân liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định thân nhân liệt sĩ là người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ. Thân nhân liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Quyết định số 22/3013/QĐ-TTg phải là những người như sau thì được hỗ trợ nhà ở: 1. Có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành. 2. Đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15 tháng 6 năm 2013 (ngày Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong các điều kiện sau: a) Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới; b) Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà. Như vậy, trường hợp cha của ông nếu đảm bảo các điều kiện đã nêu thì thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg./.
Ông nội tôi tham gia chiến đấu chống Pháp tại Hải Phòng và bị bệnh mất tại chiến trường vào năm 1959. Khi ông mất có giấy công nhận tử sĩ của ông gửi về và bố tôi đã được hưởng tiền tuất đến 18 tuổi. Vậy cho tôi hỏi trường hợp của ông nội tôi thì có được hưởng chế độ trợ cấp gì không? Hiện tại bà nội tôi 88 tuổi và vẫn còn sống. (Gia đình tôi đã làm mất giấy tờ liên quan). Nếu được hưởng trợ cấp thì gia đình tôi cần làm những thủ tục gì và gửi ở đâu? Xin chân thành cảm ơn!

Hỏi bởi: Nguyễn Thị Huế lúc 02/08/2013 4:42:33 CH

Trả lời:  Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định rõ những trường hợp chết từ ngày 31/12/1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ. Trường hợp ông nội của bà đã được công nhận là tử sĩ thì không thuộc diện xác nhận liệt sĩ. Do đó, thân nhân không được hưởng chế độ đối với thân nhân liệt sĩ theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Về chế độ đối với thân nhân của tử sĩ, đề nghị bà liên hệ với Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng để được trả lời theo thẩm quyền./.
Trong NĐ 31/2013/NĐ -CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 . Điều 21:Trợ cấp thờ cúng với liệt sỹ có quy định Liệt sỹ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm một lần, mức trợ cấp 500.000 đồng * Vậy theo tôi hiểu là trường hợp liệt sỹ không còn thân nhân hưởng chế độ tuất hàng tháng sẽ được hưởng chế độ thờ cúng mỗi năm 1 lần mức hưởng sẽ là 500.000 đồng. Tôi muốn hỏi như sau. 1/ Những trường hợp liệt sĩ có thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng là vợ liệt sỹ đã đi tái giá thì người thờ cúng liệt sĩ có được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ không? 2/ Nếu trường hợp nêu trên mà được thì tôi muốn biết vợ liệt sĩ đi tái giá có còn là thân nhân liệt sĩ hay không? Khi mà trong Điều 4. Giải thích từ ngữ có nêu '' Thân nhân liệt sỹ bao gồm cha mẹ đẻ vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ''

Hỏi bởi: Thuy lúc 02/08/2013 4:40:20 CH

Trả lời:  Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định thân nhân liệt sĩ là cha mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ. Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục khẳng định “Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ”. Trường hợp vợ liệt sĩ đã đi lấy chồng khác thì không còn được coi là thân nhân liệt sĩ nữa. Khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định: “Người thờ cúng liệt sĩ là người con hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; trường hợp không có hoặc không còn con thì là người được ủy quyền theo quy định của pháp luật”. Tại Điều 10 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 cũng quy định: “Liệt sĩ không còn thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng lập hồ sơ” để hưởng trợ cấp thờ cúng. Như vậy, trường hợp vợ liệt sĩ đã đi lấy chồng khác (đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng) và liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng./.
Bố mẹ tôi sinh được 10 người con (6trai và 4 gái) trong đó có 2 con là liệt sĩ : + Một là : Liệt Sĩ Bùi Văn Hoạt,sinh năm 1954 hi sinh năm 1974 tại mặt trận phía nam(hiên mất mộ) + Một là : Liệt sĩ Bùi Văn Thiết,sinh năm 1966,hi sinh năm 1987,hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang Tiên Yên Ba Trẽ - Tỉnh Quảng Ninh Vậy mẹ tôi - bà Nguyễn Thị Cúc : Xóm 8 Thôn Tiến Lợi,xã Nam Thanh,huyện Tiền Hải,Tỉnh Thái Bình có được xét tặng danh hiệu mẹ VN Anh Hùng theo pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 không?

Hỏi bởi: Đặng Thị Liên lúc 02/08/2013 4:36:09 CH

Trả lời:  Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt nam anh hùng”: - Có 2 con trở lên là liệt sĩ; - Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên ; - Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ ; - Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Trường hợp của mẹ bà có 2 con là liệt sĩ đủ điều kiện được xét tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt nam anh hùng”. Đề nghị bà liên hệ với cơ quan Thi đua – Khen thưởng ở địa phương để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục hồ sơ xét phong tặng (hoặc truy tặng) theo thẩm quyền./.
Tôi có một người thân lên đường nhập ngũ năm 1983 và được huy động sang Campuchia để giúp nước bạn. Trong một lần bị địch tấn công đã bị bắn trọng thương nhưng may mắn sống sót bên nước bạn. Ông có giấy báo tử, có bằng khen Tổ quốc ghi công và được công nhận là một liệt sĩ. Hiện nay ông trở về được quê hương nhưng không một mảnh đất cắm dùi, không được các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề hộ khẩu thường trú và không được bất kỳ một cơ quan nào quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để được trở lại là một công dân nước Việt Nam bình thường chứ không nói gì đến chế độ chính sách đối với người có công. Trường hợp người nhà tôi cũng được coi như trường hợp ông Phan Hữu Được - Liệt sĩ trở về. Tôi rất mong Cục người có công cho tôi và gia đình được biết trường hợp người nhà tôi có được giải quyết nơi ăn chốn ở và các chế độ chính sách hay không? nếu được thì chúng tôi phải làm gì để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho? Thay mặt gia đình, tôi xin chân thành cảm ơn Cục người có công. Chún

Hỏi bởi: Lê Thị Bích Liên lúc 02/08/2013 4:32:42 CH

Trả lời:  Trường hợp quân nhân trước đây đã được công nhận là liệt sĩ, nay trở về quê hương thì cần liên hệ trực tiếp cơ quan quân sự địa phương để được hướng dẫn xác lập hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi theo thẩm quyền. Trường hợp quân nhân nêu trên khi trở về quê hương, có khó khăn trong cuộc sống thì cần đề nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) nơi gia đình sinh sống để được chính quyền địa phương xem xét, giúp đỡ./.
kính gửi : cục người có công Hồ sơ xét công nhận người có công của ông tôi đã hoàn tất bao gồm: 1- bản trích lục hồ sơ liệt sỹ : Phan Văn Đoàn sinh năm 1889 Đảng viên ĐCSDD bằng tổ quốc ghi công số ZA 1296c theo quyết định số :424TTg ngày 01/12/1959 2- Đơn đề nghị xét hưởng chế độ đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đã hi sinh từ trần . đứng tên Nguyễn thị Chiến ( là con dâu của liệt sĩ) thường trú tổ 28 khu 4 phường Dữu lâu - TP Việt trì - tỉnh phú thọ viết ngày 19/4/2012 3- bản khai đề nghị hưởng trợ cấp 1 lần . người được uỷ quyền nhận trợ cấp 1 lần là : Nguyễn thị Chiến sinh ngày 31 tháng 12 năm 1941 do UBND xã Dữu lâu xác nhận ngày 20/4/2012 4- Biên bản xét đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đã hi sinh từ trần ( để được hưởng chế độ ưu đãi ) ngày 23/6/2011 của Ban thường vụ Đảng uỷ xã Xuân Tường - huyện Thanh Chương - Ngệ An đã ký 5- Biên bản xét đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đã hi sinh từ

Hỏi bởi: phan thế hùng lúc 31/07/2013 9:06:38 SA

Trả lời:  Trường hợp ông hỏi đủ điều kiện giải quyết chế độ đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã hy sinh, từ trần. Việc trả lời của công chức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, nếu thấy sai đề nghị ông khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, xử lý./.
cho hỏi theo nghị định 56/2013/NĐ-CP thì bà nội tôi được xét truy tặng bè mẹ việt nam anh hùng (bà đã mất), và ba tôi thân nhân (con) làm hồ sơ, trong giấy ủy quyền tôi không được rõ lắm,tức nghĩa là ai ủy quyền cho ai và như thế nào, bà nội tôi hiện có ba tôi và chú tôi còn sống. xin cảm ơn

Hỏi bởi: Lê Văn Việt lúc 30/07/2013 4:06:51 CH

Trả lời:  Trường hợp người được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần thì đại diện thân nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ lập hồ sơ xét duyệt cho bà mẹ. Bà mẹ đã từ trần có nhiều con thì các con thống nhất ủy quyền cho 01 người đại diện để lập hồ sơ xét duyệt./.
Lịch sử Đảng bộ xã Chợ Lầu, Bắc Bình, Bình Thuận có ghi: "Cuối tháng 12 năm 1947, ông Nguyễn Đàm làm Chủ nhiệm Việt minh xã Dân Thắng, ... Và sau đó, làm Bí thư chi bộ xã Minh Thắng... Xin hỏi, với thông tin trên, ông Nguyễn Đàm có thuộc diện Người có công với cách mạng không? Nếu có thì thuộc diện nào? Nếu không thì ông có thuộc diện chính sách nào khác của nhà nước hay không?

Hỏi bởi: Nguyễn Văn Lý lúc 30/07/2013 3:52:07 CH

Trả lời:  Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng đã quy định 12 đối tượng thuộc diện người có công với cách mạng đó là: 1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; 2. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 3. Liệt sĩ; 4. Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 5. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 6. Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 7. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 8. Bệnh binh; 9. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 10. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 11. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; 12. Người có công giúp đỡ cách mạng. Đến nay, về cơ bản, những người có công với cách mạng đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi. Do câu hỏi của ông chưa rõ nên Cục Người có công chưa có cơ sở để trả lời cụ thể. Ông có thể tham khảo các các quy định về điều kiện tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công tại các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành là Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tôi tham gia chiến đấu tại mặt trận Thượng Lào - Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng năm 1971-1972 và bị bom B52 đánh vào đội hình và làm cho tôi cùng các đồng chí khác bị ảnh hưởng sức ép của bom, sau khi điều trị tại bệnh xá tôi tiếp tục cùng đơn vị công tác và chiến đấu đến khi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1999, tôi được đơn vị cấp giấy chúng nhận bị thương để làm chế độ 1) Hồ sơ của tôi được q\Cơ quan quân đội xác lập theo thông tư 2285QP-TT ngày 21-1-1995 của Bộ Quốc phòng đã ghi trong quyết định số 73QDDK3 ngày 15-6-2001. Nhưng khi thanh tra Bộ Lao động thương binh- xã hội về kiểm tra lại hồ sơ của tôi lại cho là thiết lập theo thông tư 16/1998/TTLT-BLĐTXH-BQP-BCA cho là hồ sơ của tôi không đủ điều kiện, bác bỏ hồ sơ của tôi. Như vậy là không thống nhất trong việc thực hiện giữa các Bộ. 2)Bản thân tôi đã được cấp giấy chứng nhận bị thương sau khi bị thương của sư đoàn 312, có danh sách Quân nhân bị thương trong hồ sơ lưu trữ của sư đoàn 312. Như vậy là tôi có đủ điều

Hỏi bởi: Đặng Văn Bứa lúc 30/07/2013 3:50:17 CH

Trả lời:  Nội dung ông hỏi không thuộc thầm quyền trả lời của Cục Người có công. Đề nghị ông liên hệ với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét trả lời./.
Trang 4 trong 17Đầu tiên    Trước   1  2  3  [4]  5  6  7  8  9  10  Tiếp   Cuối    

© Bản quyền 2015 Bộ LĐ-TB & XH - Cục Người có công

Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tel: (04) 3734 2414 - Fax: (04) 3734 24145

E-mail: info@nguoicocong.gov.vn - Website: www.nguoicocong.gov.vn

Phòng thông tin Liệt Sĩ: (04) 3734 9765

Hỗ trợ kỹ thuật Tel: (04) 379 315 98 (máy lẻ 103) - (04) 3562 6000 (chọn máy lẻ 1425)